Phẫu thuật xuyên đêm cứu bệnh nhân té từ trên cao rơi xuống cọc gỗ

Rate this post

(CT) – Ngày 24-10, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, bệnh viện đã huy động 3 ê-kíp phẫu thuật xuyên đêm cứu sống bệnh nhân té ngã từ trên cao, rơi vào cọc gỗ.

Bệnh viện huy động 3 ê kíp, phẫu thuật xuyên đêm cứu bệnh nhân. Ảnh: BV cung cấp

Bệnh viện huy động 3 ê kíp, phẫu thuật xuyên đêm cứu bệnh nhân. Ảnh: BV cung cấp

Bệnh nhân nữ V.T.P. (sinh năm 1975, ngụ tỉnh Vĩnh Long) được chuyển đến lúc 15 giờ 40 phút ngày 11-10 với vết thương phức tạp vùng tầng sinh môn vị trí 11 giờ cạnh hậu môn, kích thước 2x4cm phù nề, nham nhở. Trước đó, chị P trèo cây cà na, không may nhánh cây bị gãy, chị bị ngã từ trên cao rơi xuống ngay vị trí cọc gỗ cố định ở bờ sông với tư thế ngồi, được người nhà hỗ trợ tách bệnh nhân ra khỏi chiếc cọc và đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Các bác sĩ chẩn đoán: bệnh nhân có vết thương hở của bụng, lưng dưới và chậu hông, vết thương phức tạp tầng sinh môn trên bệnh nhân xơ gan.

Lần lượt 3 ê-kíp khoa Ngoại Tổng hợp, Ngoại thận – tiết niệu, Khoa Phụ sản tham gia phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân. Sau khi chuyên khoa Ngoại Thận – Tiết niệu và Phụ sản xử trí tổn thương, ê-kíp khoa Ngoại Tổng hợp tiếp tục phẫu thuật đem đại tràng sigma làm hậu môn nhân tạo, dẫn lưu theo dõi…. Phẫu thuật thành công sau 5 giờ căng thẳng. Hiện tại bệnh nhân đã phục hồi tốt, được điều trị và theo dõi tại khoa Ngoại Tổng hợp.

Theo các bác sĩ, trong sơ cứu và cấp cứu các trường hợp bị vật nhọn đâm vào cơ thể: không được rút dị vật ra, ngay cả tại phòng cấp cứu. Vì trong các trường hợp chấn thương mạch máu, dị vật có tác dụng như một nút cầm máu tạm thời. Nếu rút ra, sẽ làm cho tổn thương mạch máu, thần kinh thêm trầm trọng, bệnh nhân có nguy cơ tử vong vì chảy máu ồ ạt. Ngoài ra, khó khăn cho thầy thuốc khi xử trí tổn thương. Rút dị vật chỉ được thực hiện trong phòng mổ bởi phẫu thuật viên.

Lưu ý khi sơ cứu, cấp cứu: Băng cố định dị vật (bằng băng thun, vải hoặc vật liệu tương tự) nhằm không cho vật nhọn xê dịch, tránh chảy máu nhiều, giảm đau đớn cho bệnh nhân. Đồng thời, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và xử trí kịp thời.

Bệnh nhân đã ăn uống được, phục hồi tốt. Ảnh: BV cung cấp

Bệnh nhân đã ăn uống được, phục hồi tốt. Ảnh: BV cung cấp

H.HOA

About Tin tức Y tế Cần Thơ

Tin tức Y tế Cần Thơ được trích dẫn nguồn từ trang baocantho.com.vn

Check Also

Sử dụng liệu pháp ánh sáng đỏ có an toàn?

Gần đây, liệu pháp ánh sáng đỏ (RLT) đã trở thành phương pháp điều trị …