AN NHIÊN (Theo Neurosciencenews.com)
Các nhà khoa học Mỹ mới đây phát hiện những trẻ em và thanh thiếu niên có mối quan hệ gắn bó, hài hòa với cha mẹ sẽ có kết quả sức khỏe tổng thể về lâu dài tốt hơn.
Nghiên cứu trước đây cho thấy những đặc điểm tích cực trong mối quan hệ giữa cha mẹ – con cái ở giai đoạn tuổi vị thành niên có liên quan đến cải thiện sức khỏe tâm thần, sức khỏe tình dục và sức khỏe tổng thể, đồng thời giảm nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch và lạm dụng chất gây nghiện. Tuy nhiên, những nghiên cứu này có một số hạn chế nhất định, như quy mô nhỏ, kết quả ghi nhận trong thời gian ngắn, tiêu chuẩn đánh giá đặc điểm mối quan hệ cha mẹ – con cái khác nhau, thiếu sự đa dạng và chỉ tập trung vào mối quan hệ mẹ – con hơn là mối quan hệ cha mẹ – con cái.
Để khắc phục những điểm hạn chế nói trên, các chuyên gia đến từ Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia đã phân tích dữ liệu của hơn 15.000 người trưởng thành từng tham gia một nghiên cứu quy mô lớn ở Mỹ về sức khỏe thanh thiếu niên cho đến khi họ trưởng thành. Lúc bắt đầu nghiên cứu, các đối tượng tham gia có độ tuổi từ 12-17. Mục tiêu của nhóm nghiên cứu là nhằm đánh giá xem các đặc điểm khác biệt trong mối quan hệ của những người tham gia với cha mẹ có liên quan gì đến kết quả sức khỏe của họ 14 năm sau đó.
Cụ thể, các chuyên gia đã xem xét các đặc điểm như sự ấm áp của cha mẹ, mức độ hài lòng trong quan hệ giao tiếp, thời gian bên nhau và kỳ vọng học tập ở giai đoạn người tham gia khoảng 12-17 tuổi. Khi đến độ tuổi 24-32, họ cung cấp thông tin về mức độ căng thẳng tinh thần (stress), trầm cảm, sự lạc quan, có phụ thuộc nicotine hay lạm dụng các chất gây nghiện khác hay không, cũng như các kết quả đánh giá sức khỏe tổng quát. Nhóm nghiên cứu cũng kiểm soát các yếu tố như độ tuổi, sắc tộc, cấu trúc gia đình, đồng thời phân chia dữ liệu của người tham gia dựa trên những mô tả xung quanh đặc điểm mối quan hệ giữa họ với cha mẹ sống cùng nhà.
Kết quả phân tích cuối cùng cho thấy những người cảm nhận mối quan hệ của họ với cha mẹ ở giai đoạn vị thành niên tốt hơn – gồm tình cảm ấm áp, thời gian bên nhau nhiều, có kỳ vọng trong kết quả học tập, hài lòng trong quan hệ giao tiếp và có phương pháp kỷ luật tích cực – đã ghi nhận mức độ sức khỏe tổng thể tốt hơn đáng kể khi bước vào giai đoạn trưởng thành. Tương tự, họ cũng báo cáo có mức độ lạc quan và chất lượng mối quan hệ yêu đương cao hơn, trong khi mức độ stress và các triệu chứng trầm cảm thấp hơn.
Ngoài ra, các yếu tố như mối quan hệ ấm áp giữa cha mẹ và con cái, dành nhiều thời gian bên nhau hoặc hài lòng trong giao tiếp ở độ tuổi vị thành niên cũng được phát hiện là có liên quan đáng kể đến việc giảm nguy cơ phụ thuộc nicotine và lạm dụng chất gây nghiện ở tuổi trưởng thành, cũng như giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn.
Theo chuyên gia Carol A. Ford – tác giả chính của nghiên cứu, những kết quả này cho thấy mối quan hệ hài hòa và gắn kết giữa cha mẹ và con cái trong giai đoạn thiếu niên đã dẫn đến sức khỏe và hạnh phúc tốt hơn ở tuổi trưởng thành. Điều đó chứng tỏ nỗ lực củng cố mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái có thể mang lại những lợi ích sức khỏe quan trọng về lâu dài.