Bài, ảnh: H.HOA
Trong tháng 2-2023, Bệnh viện (BV) Ung bướu TP Cần Thơ tổ chức khám, tầm soát ung thư (UT) cho 420 người. Qua đó, phát hiện hàng chục ca UT hoặc có nguy cơ tiến triển thành UT. Đa số các trường hợp đều chưa có dấu hiệu lâm sàng, ở giai đoạn sớm nên điều trị ít tốn kém, khả năng khỏi bệnh rất cao.
Cần tầm soát định kỳ
Bác sĩ BV Ung bướu TP Cần Thơ thăm, khám tầm soát ung thư cho người dân.
Trong 420 người được các bác sĩ chuyên khoa tầm soát UT: tuyến giáp, phổi, gan, vú và cổ tử cung (đối với nữ giới), tầm soát UT tuyến giáp, phổi, gan, tiền liệt tuyến (đối với nam giới). Các bác sĩ đã thăm khám, khai thác yếu tố nguy cơ (di truyền, lối sống, độ tuổi…). Tùy theo giới tính, thầy thuốc thực hiện cận lâm sàng như: siêu âm, X-Quang, nhũ ảnh, PAP smear. Qua tầm soát đã phát hiện 1 ca UT cổ tử cung, 3 ca UT tuyến giáp, 2 ca UT phổi. Ngoài ra, 2 ca nghi UT vú, cần sinh thiết để chẩn đoán chính xác bệnh.
Ths.BS Huỳnh Minh Thiện, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Ung bướu TP Cần Thơ, cho biết: Các trường hợp UT được phát hiện ở giai đoạn sớm, chưa có biểu hiện lâm sàng bệnh, thì chi phí điều trị thấp, hầu hết đều được bảo hiểm y tế thanh toán. Hiệu quả điều trị cao, nhiều khả năng khỏi bệnh. BV Ung bướu TP Cần Thơ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc phát hiện tổn thương, khối u ở phổi. Từ đó gợi ý kết quả cho bác sĩ chẩn đoán hình ảnh. Bác sĩ xem xét, đánh giá kỹ tổn thương và đưa ra chẩn đoán, tránh tình trạng bỏ sót.
Trong số 420 người tầm soát UT vừa qua, có nhiều người thường xuyên đến BV khám sức khỏe, tầm soát UT nhưng không phát hiện bệnh. Vì vậy, các thầy thuốc khuyến cáo người dân khi tầm soát UT nên tìm đến cơ sở y tế có uy tín, thầy thuốc có kinh nghiệm, kỹ năng (nhất là chẩn đoán hình ảnh)… để tránh bỏ sót bệnh.
Đối tượng cần tầm soát UT
Với gói tầm soát UT miễn phí ở trên, ước tính trên dưới 1 triệu đồng/trường hợp. Trong khi bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn, cơ hội điều trị khỏi bệnh không nhiều, việc điều trị chỉ mục đích kéo dài sự sống, giảm nhẹ mà chi phí rất tốn kém. Ths.BS Huỳnh Minh Thiện đơn cử: Đối với UT hắc tố (melanoma), nếu phát hiện sớm, phẫu thuật là khỏi bệnh; nhưng nếu phát hiện muộn, di căn hạch, điều trị rất khó, tốn kém rất nhiều mà có khả năng không khỏi. Còn UT gan, UT phổi, là hai loại UT thường gặp ở nam giới, nếu phát hiện ở giai đoạn I, khả năng khỏi bệnh rất cao. Còn qua giai đoạn muộn, chi phí điều trị cao mà khả năng không khỏi bệnh. Ở nữ giới, UT cổ tử cung phát hiện ở giai đoạn I, chỉ cần điều trị bằng phẫu thuật. Nếu bướu xâm lấn thì tiến hành thêm điều trị áp sát, tiên lượng khỏi bệnh gần như 100%.
Về đối tượng, độ tuổi tầm soát UT, theo Ths.BS Huỳnh Minh Thiện, với nhóm có tiền sử người cùng huyết thống mắc bệnh UT thì nên tầm soát càng sớm càng tốt. Với người không có yếu tố nguy cơ thì tùy loại UT mà thầy thuốc có các khuyến cáo tầm soát khác nhau. Chẳng hạn với UT cổ tử cung, khuyến cáo tầm soát sau 8-10 năm (kể từ lần quan hệ tình dục đầu tiên), UT phổi (tầm soát đối tượng 45 tuổi trở lên), UT tiền liệt tuyến, UT gan: từ 40 tuổi trở lên…
Với người có yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, béo phì, làm việc trong môi trường ô nhiễm (mỏ than, nhà máy xi măng…), có các bệnh lý như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm phế quản mãn… thì độ tuổi tầm soát sớm hơn.
Với mỗi trường hợp, bác sĩ sẽ tư vấn, đánh giá các yếu tố về di truyền, lối sống, môi trường sống, làm việc… cụ thể để có kế hoạch sàng lọc phù hợp. Thời gian tầm soát thường 6 tháng – 1 năm/lần. Nếu 3 năm liên tục lành tính thì khoảng cách cần tầm soát có thể kéo dài hơn. Tùy theo từng cá nhân cụ thể, bác sĩ có lịch, thời gian tầm soát khác nhau.
Với những người không có điều kiện tầm soát, nếu phát hiện các triệu chứng báo động nghi ngờ UT như: rối loạn đi tiêu (tiêu chảy xen kẽ táo bón, tiêu ra máu), ho dai dẳng kéo dài, tổn thương trên da không lành, sờ u cục vú, chảy dịch núm vú, âm đạo xuất huyết bất thường, mụn ruồi thay đổi hình dạng bất thường… thì nên đi khám ở chuyên khoa ung bướu. Trường hợp này đi khám thì được bảo hiểm y tế thanh toán mà xác suất phát hiện sớm (giai đoạn I) vẫn còn.
Theo TS.BS Võ Văn Kha, Giám đốc BV Ung bướu TP Cần Thơ, hiện các BV chuyên điều trị UT, đang giải quyết phần “ngọn”, phần gốc là dự phòng và tầm soát UT chưa được quan tâm đúng mức. Đa phần các trường hợp phát hiện UT ở giai đoạn muộn. Trong thời gian tới BV sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông phổ biến kiến thức dự phòng, tầm soát bệnh UT. Đồng thời, hình thành trung tâm sàng lọc tầm soát UT.