Tán sỏi to qua da, không cần mổ hở

Rate this post

(CTO) – Các bác sĩ Bệnh viện (BV) Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long vừa điều trị thành công cho bệnh nhân có sỏi thận kích thước lớn bằng phương pháp tán sỏi qua da đường hầm nhỏ (Percutaneous Nephrolithotomy) với nhiều ưu điểm vượt trội so với phương pháp mổ hở.

Nữ bệnh nhân chia sẻ niềm vui xuất viện với người thân và bác sĩ. Ảnh: BV cung cấp.

Nữ bệnh nhân chia sẻ niềm vui xuất viện với người thân và bác sĩ. Ảnh: BV cung cấp.

Nhiều năm rồi, bà L. T. B (58 tuổi, ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) bị sốt kéo dài, đau hông phải, tiểu buốt lẫn máu trong nước tiểu. Bà B đã điều trị nhiều cách, uống thuốc tây, thuốc nam, đến cơ sở y tế địa phương thăm khám và điều trị nhưng bệnh không khỏi.

Mới đây, bệnh nhân đến BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long khám. Hình ảnh chụp MSCT cho thấy thận phải bà B ứ nước độ I do viên sỏi kích thước 2,4 x 2cm. Bác sĩ ghi nhận bệnh nhân nhiễm trùng tiểu trên nền tăng huyết áp, đái tháo đường type 2.

Sau khi điều trị tình trạng nhiễm trùng ổn, các bác sĩ quyết định tán sỏi cho người bệnh bằng phương pháp mới đang được áp dụng rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới, vừa được triển khai tại BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long.

Sau 2 ngày can thiệp, sức khỏe bệnh nhân ổn định, vừa được xuất viện, theo dõi tái khám ngoại trú.

Ths.BS Trần Hữu Thiện, Khoa Thận – Tiết niệu, BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết: Trong phẫu thuật tán sỏi thận qua da, bác sĩ tạo một đường hầm rất nhỏ, kích thước dưới 1cm, ở vùng hông lưng để tiếp cận viên sỏi từ bên ngoài da. Bác sĩ đưa thiết bị vào qua đường hầm này, tán vụn các viên sỏi như hạt cát mịn rồi hút ra qua đường hầm.

Ê-kíp thực hiện can thiệp tán sỏi qua da cho người bệnh.

Ê-kíp thực hiện can thiệp tán sỏi qua da cho người bệnh.

Hình ảnh MSCT trước và sau tán sỏi cho bệnh nhân.

Hình ảnh MSCT trước và sau tán sỏi cho bệnh nhân.

Phương pháp tán sỏi qua da điều trị hiệu quả cho các trường hợp sỏi thận to, sỏi san hô, sỏi thận tái phát. Kỹ thuật này giúp bệnh nhân ít đau, ít tổn thương mô xung quanh, đặc biệt ít tổn hại thận. Nếu mổ mở, người bệnh sẽ phải chịu một đường mổ dài khoảng 15cm ở vùng hông lưng, cắt đứt cơ, tổn thương thần kinh, xương sườn số 12 và mô xung quanh thận để lấy sỏi. Bệnh nhân trải qua cuộc mổ nhiều tổn thương, đau kéo dài, lâu hồi phục.

Việt Nam là nước nằm trong khu vực vành đai sỏi của thế giới. Theo các số liệu thống kê, tỷ lệ mắc sỏi tiết niệu ở Việt Nam từ 2-12%, trong đó sỏi thận chiếm đến 40%. Kỹ thuật tán sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ hiện được xem là kỹ thuật vàng trong điều trị sỏi thận lớn (hơn 2cm) hoặc sỏi thận phức tạp, sỏi thận tái phát với các ưu điểm như ít xâm lấn, ít tai biến, bảo tồn chức năng thận, thời gian hồi phục nhanh. Hiệu quả sạch sỏi của kỹ thuật này được báo cáo lên đến 90%, tùy đặc tính của sỏi và thiết bị được sử dụng trong quy trình. Phương pháp này có thể áp dụng cho tất cả các trường hợp sỏi thận có chỉ định mổ hở, điều trị sỏi thận thất bại với nội soi ống mềm hoặc tán sỏi ngoài cơ thể.

BS Thiện thông tin thêm, nhiều trường hợp sỏi thận có thể không có triệu chứng hoặc bệnh nhân chỉ thấy đau nặng vùng hông lưng. Đây là dấu hiệu nổi bật và thường gặp nhất của bệnh. Đôi khi bệnh nhân phải chịu những cơn đau quặn thận, đau nhiều hơn khi sỏi di chuyển, đi tiểu gắt hoặc nước tiểu có máu… Khi đó, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được thăm khám sớm. Thông qua các chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng, bác sĩ đánh giá kích thước, số lượng, vị trí sỏi để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

THU SƯƠNG

About Tin tức Y tế Cần Thơ

Tin tức Y tế Cần Thơ được trích dẫn nguồn từ trang baocantho.com.vn

Check Also

Sử dụng liệu pháp ánh sáng đỏ có an toàn?

Gần đây, liệu pháp ánh sáng đỏ (RLT) đã trở thành phương pháp điều trị …