Thiếu ngủ có thể làm trầm trọng thêm cơn đau

Rate this post

AN NHIÊN (Theo Neuroscience News, MedicalNewsToday)

Tình trạng đau đầu và đau nhức cơ thể thường nặng thêm do mất ngủ hoặc thiếu ngủ, nhưng cơ chế đằng sau vẫn chưa được làm rõ. Mới đây, các nhà khoa học Mỹ phát hiện thiếu ngủ làm giảm nồng độ một chất dẫn truyền thần kinh trong não, từ đó làm tăng cảm giác đau.

Thiếu ngủ có thể làm nặng thêm cơn đau sẵn có.

Thiếu ngủ có thể làm nặng thêm cơn đau sẵn có.

Thiếu ngủ là một vấn đề sức khỏe toàn cầu, trong đó, các nhà nghiên cứu ước tính 2/3 số người trưởng thành trên thế giới thỉnh thoảng trải qua các triệu chứng mất ngủ. Ngoài ra, những người không ngủ đủ giấc còn thường xuyên bị chứng đau đầu và/hoặc đau nửa đầu, đau nhức cơ thể, đau lưng dưới và thậm chí là chịu đựng tình trạng đau mãn tính.

Thông thường, khi cơn đau kéo dài từ 3-6 tháng được coi là đau mãn tính. Những dạng đau mãn tính phổ biến gồm: đau do viêm khớp, đau cổ, đau lưng, đau cơ tổng thể (như đau xơ – cơ), đau đầu và/hoặc đau nửa đầu, đau ở mô sẹo, đau do ung thư, tổn thương tủy sống, đau thần kinh do biến chứng của bệnh đái tháo đường. Các nghiên cứu trước đây cho thấy cơn đau mãn tính có thể vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của việc ngủ không đủ giấc.

Trong nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí Nature Communications, các chuyên gia tại Bệnh viện Ða khoa Massachusetts đã sử dụng mô hình trên chuột để tìm hiểu mối tương quan giữa tình trạng thiếu ngủ, mất ngủ và cơn đau. Thông qua các thử nghiệm trên chuột, họ phát hiện thiếu ngủ dẫn tới suy giảm nồng độ N-arachidonoyl dopamine (NADA) tại một vùng não gọi là nhân lưới đồi thị (TRN).

Ðược biết, NADA là một chất dẫn truyền thần kinh do cơ thể tiết ra tự nhiên để giảm đau, song thiếu ngủ khiến nồng độ chất này sụt giảm, từ đó làm tăng độ nhạy cảm với cơn đau. Về mặt y học, hiện tượng đó được gọi là chứng tăng cảm giác đau.

“TRN là một nút quan trọng để điều chỉnh thông tin truyền giữa đồi thị và vỏ não, đều là những vùng não có tầm quan trọng đặc biệt đối với trải nghiệm đau đớn của một người. Thiếu ngủ dẫn đến nồng độ NADA tại TRN giảm, khiến vùng não này không thực hiện đúng chức năng. Và rối loạn chức năng TRN có thể làm tăng mức độ nhạy cảm với cơn đau” – Tiến sĩ Shiqian Shen, đồng tác giả nghiên cứu, giải thích thêm.

Nhóm nghiên cứu còn phát hiện mức độ nhạy cảm cơn đau ở chuột giảm xuống khi NADA tại vùng não TRN tăng lên. “Nghiên cứu mới làm rõ cơ chế tại sao thiếu ngủ khiến cơn đau gia tăng và việc can thiệp vào hệ thống dẫn truyền thần kinh có thể phá vỡ chu kỳ tác động qua lại giữa cơn đau và tình trạng mất ngủ” – Giáo sư Shen cho biết.

Nhóm chuyên gia hy vọng từ những phát hiện mới, các nhà sản xuất dược phẩm sẽ tiến tới nghiên cứu và thử nghiệm NADA hoặc các phân tử tương tự để điều trị chứng đau do mất ngủ.

Những việc nên làm để ngủ ngon giấc

+ Cố gắng duy trì giờ ngủ-thức nhất quán.

+ Giữ cho phòng ngủ luôn mát mẻ, yên tĩnh, điều chỉnh ánh sáng thích hợp, đồng thời sử dụng các loại sản phẩm gối, ga, chăn từ chất liệu thoáng khí để tạo cảm giác thoải mái.

+ Tránh mọi sự kiện căng thẳng có thể làm tâm trạng kích động hoặc xem bất cứ thứ gì có tính chất bạo lực trước khi đi ngủ.

+ Trước khi đi ngủ, nên tắm nước nóng hoặc dùng thức uống ấm (như trà hoa cúc hoặc sữa) để xoa dịu tinh thần, tránh các sản phẩm có chứa caffeine gần giờ ngủ.

+ Tập thể dục đều đặn. Có thể thực hành thêm các kỹ thuật thư giãn tinh thần, suy nghĩ tích cực.

+ Ăn uống lành mạnh, đủ dưỡng chất thiết yếu.

+ Ðến gặp bác sĩ nếu gặp các vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến giấc ngủ, chẳng hạn như chứng lo lắng, khó thở hoặc suy tim.

About Tin tức Y tế Cần Thơ

Tin tức Y tế Cần Thơ được trích dẫn nguồn từ trang baocantho.com.vn

Check Also

Mẹ bị Alzheimer, con có nguy cơ cao mắc bệnh

Theo phát hiện mới của Tạp chí JAMA Neurology, mẹ mắc Alzheimer có nguy cơ …