Trẻ dùng thiết bị điện tử quá nhiều sẽ chậm phát triển

Rate this post

Theo nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Nhi khoa Mỹ, những đứa trẻ dành nhiều thời gian xem các thiết bị có màn hình sẽ bỏ lỡ nhiều kỹ năng phát triển quan trọng, chẳng hạn như hạn chế việc thực hành và phát triển các kỹ năng vận động, giao tiếp trong đời thực mà chúng học được nhờ bắt chước những người xung quanh.

Các bậc cha mẹ cần giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử của con. Ảnh: Health Matters

Trong nghiên cứu mới do các nhà khoa học Nhật Bản thực hiện, cha mẹ của hơn 7.000 trẻ em ở nước này được yêu cầu trả lời một bảng câu hỏi, bao gồm khảo sát mức độ sử dụng thiết bị điện tử của trẻ, như: “Thường ngày, bạn cho phép con mình xem ti vi, trò chơi điện tử, giải trí trên Internet (bằng cả điện thoại di động và máy tính bảng) bao nhiêu giờ?”… Sau quá trình theo dõi suốt thời thơ ấu – từ lúc trẻ chưa đầy 1 tuổi cho đến lúc được 4 tuổi, các nhà khoa học đã tìm ra mối liên hệ giữa việc dành nhiều thời gian hơn để xem màn hình thiết bị với biểu hiện chậm phát triển ở các kỹ năng vận động (do ngồi một chỗ xem thiết bị), khả năng ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp xã hội.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu nhận thấy, khi được 2 tuổi, những trẻ xem màn hình tới 4 tiếng mỗi ngày có nguy cơ chậm phát triển kỹ năng giao tiếp và giải quyết vấn đề cao gấp 3 lần so với trẻ bình thường ít tiếp xúc với các thiết bị có màn hình. Nguy cơ này cao hơn gần gấp 5 lần ở những trẻ dành hơn 4 tiếng/ngày xem thiết bị.

Ủng hộ kết quả nghiên cứu, Tiến sĩ John Hutton – Phó giáo sư đại học và bác sĩ nhi khoa cộng đồng tại Trung tâm Y tế Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cincinnati (bang Ohio, Mỹ) – cho biết: “Trẻ em học cách nói chuyện nếu chúng được khuyến khích nói chuyện thường xuyên, nhưng nếu chúng chỉ xem màn hình thiết bị, chúng sẽ không có cơ hội tập nói. Theo ông, trẻ có thể nghe được nhiều từ khi xem thiết bị, nhưng nếu không luyện tập nói những từ đó hoặc có nhiều tương tác qua lại, trẻ sẽ không biết sử dụng từ ngữ.

Không chỉ bỏ lỡ các mốc phát triển về kỹ năng vận động, ngôn ngữ và giao tiếp xã hội, việc sử dụng thiết bị điện tử nhiều cũng có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển sức khỏe tâm thần của trẻ. Nhiều bậc cha mẹ đưa thiết bị cho con nhằm kiềm chế cơn quấy khóc hoặc để con chịu ngồi yên, song đây không phải là cách tốt.

Một trong những mục tiêu thực sự của chúng ta là giúp trẻ có thể ngồi yên lặng trong suy nghĩ của riêng mình. “Khi không được cho dùng thiết bị, trẻ có thể cảm thấy buồn chán một chút, nhưng rất nhanh, trẻ sẽ nghĩ ra cách để làm cho bản thân dễ chịu hơn. Và đó là cách sự sáng tạo của trẻ xuất hiện” – Tiến sĩ Hutton lý giải yếu tố có lợi khi trẻ không được dỗ dành bằng cách cho xem thiết bị điện tử.

About Tin tức Y tế Cần Thơ

Tin tức Y tế Cần Thơ được trích dẫn nguồn từ trang baocantho.com.vn

Check Also

Sử dụng liệu pháp ánh sáng đỏ có an toàn?

Gần đây, liệu pháp ánh sáng đỏ (RLT) đã trở thành phương pháp điều trị …