Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đạt chứng nhận bạch kim về điều trị đột quỵ

Rate this post

(CTO)- Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Khoa đột quỵ bệnh viện vừa nhận chứng nhận chuẩn PLATINUM (bạch kim) về điều trị đột quỵ của Hội Đột quỵ Thế giới (WSO). Đây là kết quả sau 3 tháng nỗ lực nhận chứng nhận GOLD.

Lãnh đạo bệnh viện, khoa đột quỵ… nhận chứng nhận Bạch kim. Ảnh: BV cung cấp

Chứng nhận bạch kim là giải thưởng danh giá dành cho các đơn vị và trung tâm đột quỵ đạt 8 tiêu chí nghiêm ngặt: Tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não được điều trị thuốc tiêu sợi huyết trước 60 phút và trước 45 phút; tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não được bắt đầu can thiệp mạch máu não trước 120 phút và trước 90 phút; tỷ lệ tái thông được mạch máu bị nghẽn tắc (trên tổng số bệnh nhân nhập viện); tỷ lệ bệnh nhân nghi ngờ đột quỵ được chụp CTScan (Chụp cắt lớp vi tính) hoặc MRI (Chụp cộng hưởng từ); tỷ lệ bệnh nhân được tầm soát rối loạn nuốt tại đơn vị; tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não được sử dụng kháng kết tập tiểu cầu khi xuất viện; tỷ lệ bệnh nhân rung nhĩ được điều trị kháng đông khi xuất viện; tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ được điều trị tại đơn vị đột quỵ hoặc hồi sức tích cực.

Tiêu chí quan trọng nhất cũng là khó đạt nhất đối với chứng nhận Bạch kim là: Tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ được điều trị tái thông trên tổng số bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não tới viện phải đạt trên 15%; tỷ lệ bệnh nhân có thời gian từ khi vào viện tới khi được điều trị tiêu sợi huyết hoặc lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học nhỏ hơn 60 phút đạt trên 75%.

Bác sĩ can thiệp bệnh nhân bị đột quỵ. Ảnh: BV cung cấp

Hiện tại, nhiều kỹ thuật khó, kỹ thuật cao đang được tập thể y bác sĩ của bệnh viện triển khai thường quy như: Tiêu sợi huyết điều trị nhồi máu não cấp, can thiệp lấy huyết khối điều trị nhồi máu não cấp, đặt coil điều trị phình mạch não, đặt stent điều trị hẹp động mạch cảnh ngoài sọ, phục hồi chức năng sớm cho bệnh nhân đột quỵ… Bệnh viện có 4 ê-kíp can thiệp đột quỵ cùng với các phương tiện hiện đại để chẩn đoán và điều trị đột quỵ, bao gồm: 3 hệ thống máy CTscan, 2 hệ thống máy MRI (trong đó có một hệ thống MRI 3.0 Tesla hiện đại), 3 hệ thống máy DSA (hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền) dùng cho can thiệp mạch máu nên có thể cùng lúc triển khai can thiệp đồng thời nhiều bệnh nhân đột quỵ vào viện cấp cứu.

Bệnh viện đang triển khai thực hiện kế hoạch mở rộng khoa Đột quỵ và sẽ thành lập Trung tâm Đột quỵ trong thời gian tới.

H.HOA

About Tin tức Y tế Cần Thơ

Tin tức Y tế Cần Thơ được trích dẫn nguồn từ trang baocantho.com.vn

Check Also

Sử dụng liệu pháp ánh sáng đỏ có an toàn?

Gần đây, liệu pháp ánh sáng đỏ (RLT) đã trở thành phương pháp điều trị …