Gánh nặng bệnh không lây nhiễm

Rate this post

Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật và tỷ lệ tử vong cao do sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm (BKLN) như ung thư, tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)… Vì vậy, phòng ngừa BKLN nhằm giảm gánh nặng bệnh tật trở nên cấp thiết.

Cán bộ y tế tiêm cho bệnh nhân đái tháo đường tại trạm y tế.

80% tử vong do bệnh không lây nhiễm

Số người mắc BKLN hiện nay là rất lớn, ước tính cả nước có khoảng 22 triệu người mắc và BKLN là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam. Cứ 10 người tử vong thì có gần 8 người tử vong do các BKLN. Ước tính năm 2016, Việt Nam có 548.800 ca tử vong, trong đó tử vong do BKLN chiếm 77% (424.000 ca), 44% số ca tử vong do BKLN là trước 70 tuổi. Gánh nặng bệnh tật do BKLN chiếm 70% tổng gánh nặng bệnh tật.

Các BKLN đứng đầu là tim mạch, ung thư, đái tháo đường và hô hấp mạn tính. Tại Việt Nam, cứ 11 người thì có 1 người bị đái tháo đường. Trong đó có 65% người bị bệnh không biết mình mắc bệnh. Cứ 30 giây có 1 người bị cắt cụt chi do bệnh đái tháo đường. Bệnh tăng huyết áp ngày càng tăng nhưng 52% người dân bị bệnh này mà không biết. Trong số người được điều trị thì có đến 69% chưa kiểm soát được huyết áp.

BKLN thường không xác định được nguyên nhân cụ thể mà có các yếu tố nguy cơ góp phần làm bệnh phát triển như: nguy cơ hành vi (hút thuốc lá, sử dụng rượu, bia, dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực; yếu tố sinh lý/chuyển hóa (thừa cân, béo phì, tăng đường máu, rối loạn mỡ máu); yếu tố môi trường (nghèo đói, thiếu kiến thức, già hóa, đô thị hóa…). Ngoài ra, còn có các yếu tố nhiễm trùng như viêm gan B, HPV…

Theo ông Hồ Hữu Tính, Khoa Dịch tễ, Viện Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh, BKLN không lây truyền nên hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế ít so với các bệnh lây truyền như HIV, lao…; bệnh mạn tính, tiến triển chậm, không gây tử vong nhanh nên người dân chủ quan, chính quyền chưa chú trọng trong tuyên truyền, phòng ngừa.

Nhiều khó khăn khi điều trị tại trạm y tế

Theo ông Hồ Hữu Tính, 70%-80% BKLN nhẹ, có thể điều trị tại trạm y tế (TYT). Bộ Y tế đang cố gắng điều trị bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường ngay tại y tế cơ sở. Tuy nhiên, trong thực tế các TYT không muốn điều trị tại trạm bằng nguồn bảo hiểm y tế bởi việc tăng, nhưng thu nhập không tăng, nguy cơ xuất toán. Tuyến quận, huyện không hỗ trợ TYT triển khai do thiếu nhân lực, chuyển bệnh nhân về TYT thì ảnh hưởng nguồn thu của bệnh viện.

Tại TP Cần Thơ, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ, có 78 TYT điều trị tăng huyết áp và 73 TYT điều trị bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, chỉ có 36 TYT có 3 nhóm thuốc tăng huyết áp và 45 TYT có 2 thuốc điều trị đái tháo đường. TYT gặp nhiều khó khăn trong triển khai điều trị: trang thiết bị cũ, thuốc chưa đầy đủ, nhiều phần mềm, các bệnh viện tuyến trung ương chưa báo cáo BKLN… TYT đề xuất đảm bảo đủ thuốc theo danh mục, cần liên thông phần mềm, bảo hiểm y tế hỗ trợ thanh toán xét nghiệm đường huyết mao mạch.

Theo các bác sĩ, những BKLN thường có chung một số yếu tố nguy cơ có thể phòng, tránh được như tránh xa khói thuốc lá, hạn chế uống rượu, bia, dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực. BS Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, đề nghị: Ðể phòng, chống các BKLN và rối loạn sức khỏe tâm thần cần sự phối hợp liên ngành, đặc biệt là người dân trong việc tuân theo khuyến cáo của ngành y tế như tập thể dục, hạn chế bia rượu, giảm muối, giữ cân nặng hợp lý… để góp phần nâng cao sức khỏe, phòng tránh bệnh tật.

Bài, ảnh: H.HOA

About Tin tức Y tế Cần Thơ

Tin tức Y tế Cần Thơ được trích dẫn nguồn từ trang baocantho.com.vn

Check Also

Sử dụng liệu pháp ánh sáng đỏ có an toàn?

Gần đây, liệu pháp ánh sáng đỏ (RLT) đã trở thành phương pháp điều trị …