Dịch bệnh tay chân miệng tiếp tục gia tăng trong tình trạng thiếu thuốc ở các tỉnh, thành phía Nam. Trước tình hình đó, các bác sĩ Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP Cần Thơ đẩy mạnh truyền thông đến cộng đồng nhằm nâng cao ý thức của phụ huynh trong việc phòng bệnh cho trẻ nhằm giảm áp lực quá tải điều trị.
Bác sĩ BV Nhi đồng TP Cần Thơ thăm khám cho trẻ.
Mới đây, các bác sĩ khoa Nhiễm đã có buổi nói chuyện, hướng dẫn phụ huynh đang chăm sóc con mắc bệnh tay chân miệng điều trị nội trú tại BV Nhi đồng TP Cần Thơ. Theo các bác sĩ, bệnh tay chân miệng là bệnh sốt cấp tính kèm mụn nước ở tay, chân và có hoặc không có mụn nước/loét ở miệng. Đây là bệnh thường gặp ở trẻ (phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi), do virus đường ruột gây ra, lan truyền từ người sang người qua đường ăn uống, tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, mụn nước hoặc phân người bệnh. Hai virus gây bệnh chính là coxsackievirus A16 và enterovirus 71. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường nổi lên vào tháng 3 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng 12. Trẻ bệnh lây lan mạnh nhất trong tuần đầu nhưng virus có thể còn trong phân đến vài tháng sau.
Những dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng: Lúc đầu trẻ sốt nhẹ và kéo dài 2-3 ngày kèm ho, đau họng, bứt rứt, biếng ăn. Khoảng 80% trẻ biếng ăn và đau họng. Sau 12-36 giờ, xuất hiện ban ở tay, chân và miệng.
Đặc điểm của ban: Tổn thương ban đầu ở miệng là những dát đỏ, sau đó thành những mụn nước 2-3mm trên nền dát đỏ. Tuy nhiên, hiếm khi thấy mụn nước vì chúng nhanh chóng bị loét. Có khoảng 5-10 vết loét. Mụn nước có ở quanh miệng, vòm miệng, niêm mạc họng, lợi và lưỡi. Lưỡi bị tổn thương 44% trường hợp; ngoài loét, lưỡi còn bị phù và đau. Tổn thương da là đặc trưng và chiếm 75% trường hợp. Tổn thương da bắt đầu là một dát đỏ mà ở giữa là mụn nước hình bầu dục màu xám và trục dọc song song với lằn da. Tổn thương này không gây khó chịu gì, mất đi trong 3-7 ngày và không để lại sẹo. Tay thường bị hơn chân. Mu bàn tay và mặt bên các ngón tay thường bị hơn là lòng bàn tay. Ngoài ra, ban có thể xuất hiện ở cánh tay, cùi chỏ, mông và gối. Phần lớn trường hợp bệnh thường tự khỏi trong 7-10 ngày.
Cách chăm sóc trẻ bệnh tay chân miệng tại nhà: Cho trẻ uống nhiều nước mát và ăn thức ăn dễ tiêu. Không làm trẻ đau họng thêm bằng cách dùng muỗng mềm cho ăn, không cho ngậm vú nhựa, không cho ăn uống đồ có vị chua hoặc có gia vị. Súc miệng bằng nước muối ấm (1/2 muỗng canh muối hòa trong 200ml nước ấm) nếu trẻ súc được. Chỉ dùng thuốc paracetamol để hạ sốt và giảm đau và các thuốc khác do bác sĩ kê. Không kiêng cử và chữa bằng các biện pháp dân gian khi trẻ bệnh. Theo dõi tình trạng trẻ sát sao, phát hiện kịp thời các dấu hiệu cảnh báo.
Nhập viện ngay khi trẻ có các dấu hiệu sau: Sốt từ 39 độ C trở lên hoặc kéo dài từ 48 giờ trở đi; nôn; ngủ giật mình chới với; quấy khóc, bứt rứt; ngủ lịm; chân tay múa máy, quờ quạng (lúc mới ngủ) hoặc đi loạng choạng; mắt đảo vòng (lúc mới ngủ); chân, tay yếu; thở khó khăn/thở nhanh (giai đoạn muộn); da nổi vằn (giai đoạn muộn).
Phòng ngừa lây lan bệnh tay chân miệng: Tránh làm vỡ mụn nước; rửa tay sau mỗi lần chăm trẻ trong vài tháng; rửa đồ chơi trẻ bệnh trước hết bằng xà phòng sau đó tẩy bằng dung dịch Cloramin B 2%; giảm tối đa tiếp xúc gần với trẻ bệnh.
Bác sĩ khuyến cáo, trước dịch bệnh tay chân miệng, cộng đồng không nên hoảng loạn dù sự thật bệnh vẫn đang tăng. Hầu hết bệnh tay chân miệng tự khỏi. Bệnh xảy ra ở trẻ nhiều lần trong đợt dịch là điều bình thường vì mỗi lần bệnh do nhiễm loại virus khác nhau. Bệnh tay chân miệng hiện nay chưa có thuốc phòng và chữa khỏi nhưng phát hiện sớm và can thiệp ngay khi trở nặng sẽ cứu sống trẻ nhiều hơn. Bệnh lúc đầu có thể chỉ sốt nhẹ, ho khan, nổi ban… giống như các nhiễm virus thông thường khác nhưng sau đó số ít trường hợp có thể diễn biến nguy kịch nhanh. Vì thế, tốt nhất cha mẹ nên đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế gần nhà khi có bất cứ bất thường nào dù đang mùa dịch hay không.
Bài, ảnh: THU SƯƠNG