Từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10-2023, Ðoàn kiểm tra liên ngành y tế trường học (YTTH) đã kiểm tra tại 18 trường học ở 9 quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ. Ðoàn kiểm tra gồm: Sở Y tế, Sở Giáo dục và Ðào tạo, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Y tế quận, huyện. Tại các trường, đoàn mời trạm y tế cùng tham dự.
Thành viên đoàn kiểm tra đo ánh sáng trong các phòng học.
Kiểm tra toàn diện y tế trường học
Tại các trường, đoàn triển khai quyết định kiểm tra và phân công thành viên trong đoàn kiểm tra các nội dung: công tác tổ chức, xây dựng kế hoạch hoạt động YTTH và kinh phí hoạt động; cơ chế phối hợp giữa trường học và trạm y tế; cơ sở vật chất (phòng học, đo chiều cao bàn, ghế, bảng viết, đo ánh sáng, hệ thống cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, rác thải…); an toàn thực phẩm; phòng y tế; nhân viên y tế trường học; hoạt động quản lý, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe học sinh; truyền thông giáo dục sức khỏe; công tác phòng, chống dịch bệnh; quản lý bệnh không lây; tai nạn thương tích… Các nội dung kiểm tra được cụ thể hóa thành từng mục trong bảng kiểm tra với các thang chấm điểm cụ thể.
Qua kiểm tra, công tác YTTH và chăm lo sức khỏe học sinh được các trường rất quan tâm. Cơ sở vật chất các trường học được đầu tư xây mới, sửa chữa. Nhà trường quan tâm cảnh quan, vệ sinh sạch, đẹp. Thành viên đoàn hỏi ngẫu nhiên các cháu về cách rửa tay, đánh răng…; hỏi giáo viên cách xử trí khi trong lớp cho cháu bị tay chân miệng, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ… các cô nắm rõ cách xử trí. Các trường thực hiện bảng tuyên truyền ngay cổng, trong các lớp học rất bắt mắt. Ðồng thời phát loa tuyên truyền giờ phụ huynh đến đón trẻ.
Tại Trường Tiểu học Võ Trường Toản, 100% học sinh được cập nhật, thống kê cân, đo, khám sức khỏe đầu năm, tẩy giun định kỳ 2 lần/năm. Thầy cô tư vấn phụ huynh tình trạng các em thừa cân cần giảm chất bột, đường, tăng vận động… Trước ngày tập trung đầu năm học, nhà trường đã phun thuốc diệt muỗi, sát khuẩn và cấp phát cloramin B cho các cô bảo mẫu lau bàn, ghế… hàng ngày. Hàng tuần, nhà trường tổ chức tổng vệ sinh, thu gom rác, làm cỏ… Hàng tháng, nhân viên của công ty kiểm tra bảo trì, 6 tháng kiểm nghiệm nước, định kỳ thay lõi lọc, đèn cực tím. Riêng nhà vệ sinh, mỗi tầng lầu đều có 3 nhà vệ sinh nam, nữ riêng biệt, được liên tục vệ sinh sáng, trưa, chiều. Nhà trường cũng thành lập Tổ tự quản an toàn thực phẩm, có đầy đủ hợp đồng cung ứng thực phẩm; kiểm thực 3 bước; lưu mẫu thực phẩm…
Thầy Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng Phòng Chính trị, tư tưởng, Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Cần Thơ, Phó trưởng đoàn kiểm tra, cho biết: Qua kiểm tra hầu hết các trường đạt loại tốt. Các mặt công tác như cảnh quan môi trường, phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm… được các trường rất quan tâm. Trạm Y tế và các trường phối hợp chặt chẽ, cùng nhau chăm lo sức khỏe học sinh.
Vẫn còn hạn chế
Theo đánh giá chung của đoàn kiểm tra, tồn tại hạn chế ở một số trường như: ghi chép tình trạng sức khỏe cho học sinh chưa đầy đủ, phần lớn chỉ có ghi chép về cân nặng, chiều cao; trẻ trên 36 tháng thiếu huyết áp, tim mạch, thị lực, thiếu theo dõi và tư vấn sức khỏe cho học sinh, thiếu tiền sử sức khỏe của học sinh (phụ huynh tự điền); tài liệu tuyên truyền về dịch bệnh cũ, lạc hậu, chẳng hạn như tài liệu tuyên truyền bệnh COVID-19, vẫn ghi 5K; quy trình xử lý khi có ca bệnh truyền nhiễm còn chung chung…, đo ánh sáng tại một số phòng học không đạt theo quy định. Số lượng nhà vệ sinh không đủ, có nơi nhà vệ sinh còn có mùi hôi. Theo thành viên của đoàn kiểm tra: Số lượng nhà vệ sinh theo quy định 20-30 em nam/bồn cầu; nữ thì 20 em/bồn cầu.
Tồn tại mà hầu như trường nào cũng bị trừ điểm là chiều cao bàn, ghế, độ rộng từ bảng đến bàn ghế không đạt theo quy định. Hiệu trưởng một trường tiểu học phân trần: Nhà trường chỉ khắc phục các tồn tại chủ quan, trong tầm tay như tăng cường thêm bóng đèn hay thay bóng đèn cũ; cập nhật tài liệu truyền thông; bổ sung thêm thông tin về sức khỏe học sinh…, riêng việc thiếu nhà vệ sinh, gây quá tải, thì nhà trường không có kinh phí xây dựng. Nhà trường đã đề xuất nhưng chưa được xây dựng. Về chiều cao bàn, ghế, cấp loại nào nhà trường cho học sinh sử dụng loại đó.
Qua kiểm tra, thầy Nguyễn Hữu Nhân cho biết: Công tác YTTH rất nhiều nội dung. Hiện nay, đa số các trường chưa phát huy hết vai trò của Ban chăm sóc sức khỏe học sinh (trên 10 người); chưa phân công cụ thể nên dồn việc cho nhân viên YTTH. Hiệu trưởng nên phân công cụ thể, để huy động các thành viên chăm lo sức khỏe học sinh.
Qua kiểm tra, BS Trần Trường Chinh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ, Trưởng đoàn đánh giá: Việc kiểm tra được ngành giáo dục và y tế phối hợp thực hiện vào đầu năm học nhằm hướng dẫn các trường làm tốt hơn công tác YTTH. Qua mỗi năm, công tác YTTH được thực hiện ngày càng tốt hơn. Trường học và trạm y tế phối hợp chặt chẽ trong công tác chăm lo sức khỏe học sinh, nhất là ở bậc mầm non, tiểu học. Tuy nhiên, những tồn tại, hạn chế trong công tác này như chiều cao bàn, ghế; thiếu nhà vệ sinh ở một số trường đã kéo dài, rất cần được quan tâm, giải quyết.
Bài, ảnh: H.HOA