Chủ động ngừa viêm phổi ở người cao tuổi

Rate this post

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Tuổi cao, sức yếu, mắc đồng thời nhiều bệnh mạn tính, là những yếu tố nguy cơ cao khiến người cao tuổi mắc các bệnh truyền nhiễm, nhất là hệ hô hấp. Trong đó, bệnh viêm phổi do phế cầu khiến các cụ dễ gặp biến chứng nặng. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người cao tuổi có thể chủ động phòng bệnh, giảm thiểu biến chứng bằng cách tiêm ngừa.

Bác sĩ BV Đa khoa TP Cần Thơ thăm khám cho người bệnh cao tuổi. Ảnh minh họa.

Một bệnh nhân 65 tuổi, có tiền sử hút thuốc lá hơn 10 năm qua, hiện tại thường xuyên bị ho, đau tức ngực, nên thắc mắc hỏi bác sĩ rằng, liệu cai thuốc lá bây giờ có kịp bảo vệ chức năng phổi, giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm phổi cũng như ung thư phổi không? Trong chương trình tư vấn trực tuyến về Viêm phổi, cúm và biến chứng hô hấp nguy hiểm ở trẻ em và người cao tuổi, BS CKII Mã Thanh Phong, Khoa Nội tổng hợp, BV Ða khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh tư vấn, trong thuốc lá có rất nhiều hóa chất độc hại, ảnh hưởng xấu lên tế bào biểu mô đường hô hấp, khiến hệ hô hấp dễ mắc các bệnh lý nhiễm trùng. Người hút thuốc lá lâu năm dễ bị ho khạc đàm, mắc bệnh viêm phổi mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giảm sức lao động, tăng chi phí điều trị. Ngoài ra, người cao tuổi hút thuốc lá còn có nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch, thần kinh khác. “Vì vậy, người hút thuốc lá cai thuốc là quyết định rất đúng đắn, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, việc cai thuốc cần kéo dài và bỏ hẳn, chứ nếu tái diễn, yếu tố nguy cơ vẫn tồn tại. Bỏ thuốc lá, chưa bao giờ là muộn”, BS Phong khuyến cáo.

Con trai của một bệnh nhân cao tuổi khác cho biết, cha già ngoài 70 tuổi, đã điều trị viêm phế cầu hơn hai tháng qua. Bệnh của ông cụ không diễn tiến nặng thêm, nhưng cũng không thuyên giảm nhiều, kéo dài tình trạng ho nhiều về đêm. Chi phí điều trị tốn kém, vài chục triệu đồng mỗi lần nhập viện… Theo BS Phong, bệnh viêm phổi do phế cầu không quá khó điều trị, tuy nhiên, tùy thuộc vào tuýp vi trùng và thể trạng bệnh nhân cũng như mức độ kháng thuốc. Thực tế hiện nay, người dân Việt Nam phổ biến thói quen tự ý mua thuốc tại các quầy thuốc khi mắc các bệnh lý thông thường, dẫn đến việc kháng kháng sinh. Ðến khi mắc các bệnh nhiễm trùng, cần điều trị kháng sinh, thì việc điều trị trở nên khó khăn, đặc biệt là ở người bệnh cao tuổi. Nhiều nghiên cứu cho thấy, gần đây tình trạng kháng kháng sinh phế cầu ở nước ta gia tăng, kể cả các thế hệ kháng sinh mới. Do đó, cộng đồng cần nâng cao ý thức trong việc sử dụng thuốc, cần có sự thăm khám sức khỏe và chỉ định dùng thuốc từ bác sĩ chuyên khoa để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất, hạn chế biến chứng.

Theo BS Mã Thanh Phong, người già, người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch… là đối tượng nguy cơ cao bị vi khuẩn đường hô hấp tấn công như phế cầu, não mô cầu, tụ cầu, liên cầu, vi nấm… Kết quả một số nghiên cứu cho thấy, khoảng 25% người trên 65 tuổi mắc viêm phổi do phế cầu có nguy cơ tử vong; từ 30-50% người bệnh còn gặp những biến chứng nặng như áp xe phổi, tràn mủ màng phổi, suy hô hấp nặng, nhiễm trùng huyết, viêm màng não, viêm màng ngoài tim, biến chứng tắc mạch, biến chứng lên thần kinh hay liệt tứ chi…

Viêm phổi do phế cầu ở người cao tuổi ít khởi phát đột ngột, thường âm ỉ với các triệu chứng không rõ ràng và dễ nhầm lẫn với một số bệnh khác như cảm lạnh thông thường. Người cao tuổi mắc viêm phổi thường có biểu hiện sốt, kèm theo đau ngực, lạnh run, tức ngực, ho và thở gấp. Một số trường hợp bệnh có thể gây khó thở, đôi khi thay đổi tri giác, chán ăn. Ở giai đoạn nặng, người bệnh có biểu hiện tím tái, lơ mơ và rơi vào tình trạng suy hô hấp, phải chăm sóc đặc biệt, thời gian nằm viện kéo dài, tốn kém chi phí. Nguy hiểm hơn, vi khuẩn phế cầu còn có khả năng kháng kháng sinh cao gây khó khăn cho quá trình điều trị, phải phối hợp điều trị bằng kháng sinh liều cao. Nhằm chủ động phòng viêm phổi do phế cầu, phòng tránh nguy cơ biến chứng, tử vong, người cao tuổi nên tiêm vaccine phòng phế cầu khuẩn. Theo khuyến cáo của CDC Hoa Kỳ, người mắc các bệnh mạn tính hoặc có các yếu tố nguy cơ như nghiện rượu, hút thuốc lá, suy giảm miễn dịch,… cần tiêm vaccine phòng phế cầu khuẩn. Người từ 65 tuổi trở lên, dù có bệnh nền hay các yếu tố nguy cơ hay không đều cần tiêm vaccine phòng phế cầu. Người lớn chỉ cần tiêm một mũi, phòng đến 13 chủng vi khuẩn phế cầu gây bệnh nguy hiểm, cho hiệu quả bảo vệ trọn đời.

BS Phong khuyến cáo thêm, người cao tuổi mắc bệnh mạn tính, cần thiết tiêm thêm các loại vaccine khác như cúm, ho gà. Ngoài ra, bệnh nhân cao tuổi cần tuân thủ điều trị theo phác đồ các bệnh mắc phải, kiểm soát ổn định bệnh nền để tránh mắc các đợt cấp tính và nguy cơ nhập viện.

About Tin tức Y tế Cần Thơ

Tin tức Y tế Cần Thơ được trích dẫn nguồn từ trang baocantho.com.vn

Check Also

Sử dụng liệu pháp ánh sáng đỏ có an toàn?

Gần đây, liệu pháp ánh sáng đỏ (RLT) đã trở thành phương pháp điều trị …