Cụ ông đột quỵ trong đêm, được can thiệp sớm, đi đứng trở lại bình thường

Rate this post

(CTO) – Cụ ông 83 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Long, bị đột quỵ nhồi máu não trong lúc ngủ may mắn được các bác sĩ Bệnh viện (BV) Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cứu sống trong “giờ vàng” nhờ quy trình cấp cứu đột quỵ cấp.

Cụ ông được cấp cứu trong "giờ vàng" đạt hiệu quả hồi phục sức khỏe tốt. Ảnh: BV cung cấp

Cụ ông được cấp cứu trong “giờ vàng” đạt hiệu quả hồi phục sức khỏe tốt. Ảnh: BV cung cấp

Người thân ông cụ N.V.T kể, sáng sớm cùng ngày nhập viện, con cháu nghe tiếng động lạ trong phòng cụ nên vào kiểm tra, phát hiện ông nằm trên giường với biểu hiện liệt hoàn toàn nửa người trái, ú ớ, lơ mơ khò khè. Ngay lập tức, gia đình đưa cụ đến BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long.

Tại khoa Cấp cứu, qua thăm khám, bác sĩ ghi nhận tình trạng người bệnh lơ mơ, liệt hoàn toàn nửa người trái, không nói chuyện được, tăng tiết đàm, rung giật nhãn cầu, chẩn đoán đột quỵ. Cụ ông có tiền sử bệnh mạch vành, đã đặt stent năm 2018, có tái khám nhưng không thường xuyên.

Khoa Cấp cứu nhanh chóng kích hoạt Code Stroke, quy trình cấp cứu bệnh nhân đột quỵ cấp. Bệnh nhân được chỉ định chụp cộng hưởng từ. Qua kết quả MRI sọ não, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu não cấp vùng thân não và tiểu não bên phải, thời gian khởi phát dưới 4,5 giờ, đồng thời có tắc động mạch thân nền.

Sau khi hội chẩn và giải thích với gia đình, ê-kíp bác sĩ đã chỉ định bệnh nhân sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch và tiến hành can thiệp hút huyết khối khỏi lòng mạch, cố gắng tái thông dòng chảy mạch máu não bị tắc.

Sau 1 giờ can thiệp, các bác sĩ đã loại bỏ được huyết khối, tái thông mạch máu não bị tắc của cụ ông và chuyển đến khoa Hồi sức tích cực và Chống độc tiếp tục theo dõi. Sau 24h, người bệnh được rút ống thở, tiếp xúc tốt, sinh hiệu bình thường, các triệu chứng lâm sàng cải thiện đáng kể.

Sau điều trị 5 ngày, ông T gần như phục hồi bình thường, nói chuyện, đi lại được. Hiện cụ đã xuất viện.

BS CKI Lư Kim Bằng, Phó Trưởng khoa Thần kinh – Đột quỵ, BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết: Đột quỵ nhồi máu não có tỷ lệ tử vong cao, mức độ di chứng nặng nề. Việc chẩn đoán và xử trí đột quỵ cấp trong “giờ vàng”, tái thông nhanh chóng mạch máu não bị tắc có ý nghĩa quan trọng. Trường hợp này đã được gia đình phát hiện sớm và đưa đến BV can thiệp điều trị kịp thời, ít để lại di chứng, bệnh nhân phục hồi tốt.

Bác sĩ cho biết, khác với những bệnh lý khác, đột quỵ nhồi máu não đòi hỏi sự can thiệp kịp thời để nhu mô não được cung cấp máu trở lại, nhằm duy trì hoạt động, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng chết tế bào não, để lại những di chứng tàn phế không hồi phục, thậm chí tử vong.

Tại BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, khi tiếp nhận các ca bệnh đột quỵ, quy trình cấp cứu người bệnh đột quỵ sẽ được kích hoạt, đảm bảo công tác cấp cứu và điều trị cho người bệnh nhanh chóng, chính xác và hiệu quả.

Bác sĩ cũng khuyến cáo, khi đột ngột có những dấu hiệu như: méo miệng, liệt mặt, tê bì, yếu nửa người, môi lưỡi tê cứng, nói khó hoặc không nói được, mắt nhìn mờ, đau đầu…, người bệnh cần được đưa đến ngay cơ sở y tế có điều trị đột quỵ chuyên sâu gần nhất để được chẩn đoán và xử trí nhanh nhất. Tuyệt đối không nên mất thời gian chờ người bệnh tự phục hồi hay sử dụng các phương pháp dân gian truyền miệng để điều trị tại nhà.

Việc quan trọng nhất trong phòng bệnh đột quỵ là kiểm soát các yếu tố nguy cơ như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, không hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá, hạn chế rượu bia… Đối với những bệnh nhân đã điều trị đột quỵ cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ và tái khám định kỳ theo lịch hẹn.

Huyết khối trong lòng mạch não của cụ ông. Ảnh: BV cung cấp

Huyết khối trong lòng mạch não của cụ ông. Ảnh: BV cung cấp

THU SƯƠNG

About Tin tức Y tế Cần Thơ

Tin tức Y tế Cần Thơ được trích dẫn nguồn từ trang baocantho.com.vn

Check Also

Sử dụng liệu pháp ánh sáng đỏ có an toàn?

Gần đây, liệu pháp ánh sáng đỏ (RLT) đã trở thành phương pháp điều trị …