Ghép tạng: Hồi sinh sự sống kỳ diệu

Rate this post

Việt Nam đi sau thế giới gần nửa thế kỷ trong lĩnh vực ghép tạng, nhưng sau 30 năm phát triển đã có những thành công vượt bậc. Các thầy thuốc Việt Nam đã thực hiện thành công hơn 7.500 ca ghép tạng, hồi sinh hàng ngàn sự sống. Nước ta hiện có 78.000 người đăng ký hiến tạng. Các bác sĩ Việt Nam hiện đã làm chủ nhiều ca ghép tạng khó.

Nhiều cơ sở y tế tại Cần Thơ cũng đang chuẩn bị nguồn lực để ứng dụng kỹ thuật ghép thận cho người bệnh suy thận mạn. Trong ảnh: Bác sĩ BV Đa khoa TP Cần Thơ thăm khám cho bệnh nhân lọc thận.

Trước năm 1990, ghép tạng là ước mơ xa vời của các bác sĩ ngoại khoa Việt Nam. Đến năm 1992, Bệnh viện (BV) Quân Y 103 thực hiện ca ghép thận đầu tiên, đã khởi đầu hành trình nối dài sự sống kỳ diệu, đánh dấu vị thế của Việt Nam trên bản đồ ghép tạng thế giới. Hiện nay, các bác sĩ đã làm chủ được nhiều kỹ thuật ghép tạng khó, từ ghép thận đến gan, tim, phổi.

PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng BV Hữu Nghị Việt Đức, kể: Ban đầu, một BV lớn chỉ thực hiện 2-3 ca ghép tạng mỗi năm. Từ năm 2005, mỗi tháng thực hiện một ca ghép. Năm 2007, ca ghép gan đầu tiên được thực hiện với sự tham gia của gần 100 cán bộ y tế. Bệnh nhân sau ghép nằm viện từ 1-2 tháng. Hiện các trung tâm ghép tạng thực hiện mỗi tuần 6-7 ca ghép, trung bình 200-250 ca ghép mỗi năm. Khoảng 4 giờ sau mổ, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo.

PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa cho biết, trước đây bệnh nhân suy thận mạn buộc phải gắn liền với máy lọc thận suốt quãng đời còn lại; ngày nay, bệnh nhân có chỉ định ghép phù hợp, hoàn toàn có thể trở lại cuộc sống khỏe mạnh bình thường. Không chỉ các BV tuyến trung ương, một số BV đa khoa tuyến tỉnh cũng đã triển khai được kỹ thuật ghép tạng thường quy. Cả nước hiện có 25 trung tâm ghép tạng. Tỷ lệ ghép tạng thành công ở nước ta tương đương với các nước trên thế giới, khoảng 95%, và tỷ lệ tạm sống sau 5 năm từ 85-90%.

TS Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, kể: Thời điểm 2004-2005, khi xây dựng Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, vấn đề nan giải là nhận thức của người phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng là quan niệm chết phải toàn thây ăn sâu trong tiềm thức của cộng đồng. Tuy nhiên, vì ý nghĩa nhân văn cao đẹp, ngành y tế và các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, nhờ đó, đến năm 2007, Luật được thông qua, tạo hành lang pháp lý đồng bộ. Đến năm 2013, Trung tâm điều phối hiến ghép tạng thuộc Bộ Y tế ra đời, kết nối các trung tâm ghép tạng của cả nước. Một năm sau thành lập trung tâm, hơn 250 người đăng ký hiến tạng; đến nay, có khoảng 78.000 người đăng ký sẵn sàng hiến một phần cơ thể giúp kéo dài sự sống của những sinh mệnh không may bệnh tật.

Theo TS Nguyễn Hoàng Phúc, thành công của hành trình ghép tạng là sự hội tụ sức mạnh của hệ thống chính trị các cấp, cả ngành y tế và cộng đồng. Trong đó, quan trọng nhất là nỗ lực của các thầy thuốc, tận lực cống hiến, tạo được kỳ tích cho hành trình ghép tạng ở Việt Nam. Tuy nhiên, ngành ghép tạng nước ta vẫn tồn tại nhiều khó khăn. Đó là sự phát triển chưa cân đối của ngành ghép tạng. Khoảng 9/10 ca ghép tạng là thận, các tạng khác như gan, tim, phổi, tụy còn ít. Mặc dù lượng người đăng ký hiến tạng ngày càng gia tăng, nhưng đáp ứng dưới 10% nhu cầu người bệnh. Bên cạnh đó, những bất cập khác liên quan đến độ tuổi hiến tạng, chính sách cho nhân viên điều phối hay quyền lợi của người hiến và thực trạng mua bán tạng…

Trong chương trình truyền hình trực tuyến “Ghép tạng ở Việt Nam – Hành trình nối dài sự sống hàng nghìn người”, TS Nguyễn Hoàng Phúc chia sẻ: “Khi đăng ký hiến tạng, nghĩa rằng, sẵn sàng trao đi một phần sự sống. Hành động đó chính là khởi tâm thiện bên trong mình, vừa giúp bản thân vượt qua nỗi sợ của quy luật sinh – tử. Họ an vui, tận hưởng phút giây hiện tại, vì biết rằng cuộc đời cho đến lúc mất đi vẫn còn ý nghĩa giúp ích được cho cộng đồng. Những người nhận tạng hiến được hồi phục sức khỏe, cảm thấy có trách nhiệm sống tốt, có ích cho cộng đồng. Cả người cho lẫn người nhận cùng nhau viết tiếp dòng chảy văn hóa tận hiến của người Việt: Cho đi, là còn mãi mãi”.

Theo quy định hiện hành của Việt Nam, người trên 18 tuổi có đầy đủ quyền nhân thân để thực hiện ý muốn hiến tạng. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên, người muốn hiến tạng nên chia sẻ nguyện vọng với người thân để có sự phối hợp thuận lợi trong nghĩa cử cao đẹp.

Tổng đài của Trung tâm điều phối tạng quốc gia, hoạt động 24/24, giải đáp mọi thắc mắc xung quanh việc hiến tạng là: 0915060550.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

About Tin tức Y tế Cần Thơ

Tin tức Y tế Cần Thơ được trích dẫn nguồn từ trang baocantho.com.vn

Check Also

Sử dụng liệu pháp ánh sáng đỏ có an toàn?

Gần đây, liệu pháp ánh sáng đỏ (RLT) đã trở thành phương pháp điều trị …