Không để thuốc lá điện tử xâm nhập học đường

Rate this post

PV (TTXVN)

Ngăn ngừa hút thuốc lá trong giới trẻ là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính sách về phòng, chống tác hại của thuốc lá ở nước ta, với mục tiêu xây dựng trường học không khói thuốc lá. Tuy nhiên, trước thực trạng tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử (TLÐT) gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở giới trẻ thời gian qua, việc các trường học trên cả nước đưa nhiệm vụ phòng, chống tác hại thuốc lá ngay khi năm học mới được bắt đầu là cần thiết và cấp bách.

Gia tăng tỷ lệ sử dụng thuốc TLĐT ở giới trẻ

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh kiêm Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, ngăn ngừa hút thuốc lá trong giới trẻ là một trong những ưu tiên và cũng là nội dung quan trọng mà Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá đã hỗ trợ các tỉnh, thành phố nhằm xây dựng trường học không khói thuốc lá trong thời gian qua.

Với sự hỗ trợ của Quỹ, sự tham gia chủ động, tích cực của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT), các tỉnh, thành phố, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá trong trường học đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá học sinh từ 13-15 tuổi tại Việt Nam, tỷ lệ hút thuốc trong nhóm tuổi này đã giảm từ 2,5% (năm 2014 ) xuống 1,9% (năm 2022); trong nhóm tuổi từ 13-17 giảm từ 5,36% (năm 2013) xuống còn 2,78% (năm 2019). “Ðây là những kết quả rất đáng khích lệ trong việc ngăn ngừa hút thuốc lá trong giới trẻ, bảo đảm thành công bền vững của chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá” – PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết.

Tuy vậy, các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy thực trạng đáng báo động khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu thông thường giảm thì tỷ lệ sử dụng TLÐT lại gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở giới trẻ.

Theo điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ sử dụng TLÐT trong học sinh từ 15-17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Cũng theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022, tỷ lệ sử dụng TLÐT độ tuổi 13-15 đã là 3,5%. Ðiều nay cho thấy, chỉ sau 3 năm tỷ lệ sử dụng TLÐT trong học sinh đã gia tăng đáng kể và đang gây ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của các em học sinh.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay có khoảng 20.000 loại hương liệu được sử dụng trong các sản phẩm TLÐT, trong đó, rất nhiều loại hương liệu độc hại và chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại đối với sức khỏe. “TLÐT được thiết kế đa dạng với nhiều kiểu dáng và nhiều hương vị, chủ yếu nhằm vào giới trẻ. Ðiều này dẫn đến việc sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh tăng nhanh” – PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhận định.

Xử lý nghiêm trường hợp mua, bán, sử dụng TLĐT trong trường học

Bộ GD&ÐT đã phối hợp tích cực và chặt chẽ với Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá triển khai hiệu quả nhiều hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt thuốc lá mới trong học sinh, sinh viên. Bộ đã ban hành văn bản chỉ đạo, xây dựng tài liệu truyền thông, giáo dục, tổ chức tập huấn, truyền thông trực tiếp về tác hại thuốc lá và TLÐT cho các cơ sở giáo dục.

Ðể ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá nói chung và các sản phẩm thuốc lá mới, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Bộ GD&ÐT tiếp tục phối hợp và tăng cường tuyên truyền, phổ biến tác hại của việc sử dụng thuốc lá, TLÐT, thuốc lá nung nóng, shisha, tới toàn thể học sinh, sinh viên, học viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục.

Bên cạnh đẩy mạnh hoạt động xây dựng môi trường không khói thuốc tại các cơ sở giáo dục, Bộ GD&ÐT chỉ đạo các trường học phối hợp chính quyền địa phương thực hiện nghiêm quy định cấm bán thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá mới phía ngoài cổng các trường học theo quy định tại Khoản 2, Ðiều 25 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ sở giáo dục tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, sử dụng TLÐT, thuốc lá nung nóng, shisha tại các cơ sở giáo dục…

TLÐT sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn. “Người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện. Một số khảo sát trong cộng đồng sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy rõ ràng về mối liên quan giữa sử dụng TLÐT với các tệ nạn xã hội khác như ma túy, hút shisha và các chất gây nghiện khác. Pha trộn ma túy vào dung dịch điện tử (Cannabis và Marijuana) đã được ghi nhận ở Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai và Trung tâm Giám định ma túy Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an. Những hệ lụy này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ” – PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh và mong muốn, công tác phổ biến, tuyên truyền về phòng, chống tác hại thuốc lá, TLÐT phổ biến đến từng học sinh từ cấp học mầm non đến đại học và đến từng giáo viên, cán bộ, nhân viên làm việc tại các trường học để góp phần xây dựng môi trường học đường không khói thuốc, bảo vệ sức khỏe thế hệ tương lai của đất nước.

About Tin tức Y tế Cần Thơ

Tin tức Y tế Cần Thơ được trích dẫn nguồn từ trang baocantho.com.vn

Check Also

Sử dụng liệu pháp ánh sáng đỏ có an toàn?

Gần đây, liệu pháp ánh sáng đỏ (RLT) đã trở thành phương pháp điều trị …