Nhận biết nguyên nhân và phương pháp điều trị chứng đau nửa đầu

Rate this post

AN NHIÊN (Theo DW)

Đau nửa đầu (migraine) là dạng bệnh lý thần kinh phổ biến, ảnh hưởng khoảng 15% dân số trên toàn thế giới. Bệnh dễ tái phát, với cơn đau thường kéo dài khiến sức khỏe và cuộc sống người bệnh sa sút. Vậy nguyên nhân gì kích hoạt cơn đau nửa đầu và nên áp dụng phương pháp điều trị nào khi gặp vấn đề sức khỏe này?

Cơn đau nửa đầu thường kéo dài và làm giảm chất lượng sống của người bệnh.

Thông thường, bệnh nhân có thể bắt đầu nhận thấy cảm giác đau nhói từ bên trong, sau đó cơn đau lan rộng từ đằng sau mắt này sang mắt kia. Cảm giác khó chịu chỉ giảm phần nào khi người bệnh cúi thấp đầu, tránh ánh sáng chói và âm thanh lớn. Nếu nhẹ, triệu chứng có thể đi kèm cảm giác buồn nôn, còn nếu nặng hơn, cơn đau có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày. Đối với những người mắc chứng đau nửa đầu mãn tính, hơn một nửa số ngày trong tháng họ phải chịu đựng trạng thái đau này.

Nguyên nhân gây chứng đau nửa đầu

Theo các chuyên gia, bệnh đau nửa đầu bắt nguồn từ sự quá nhạy cảm của bộ não. So với những người không bị đau nửa đầu, bộ não của người mắc bệnh này có các kết nối thần kinh nhạy cảm bất thường. Điều đó khiến họ vô cùng nhạy cảm với những thay đổi nhỏ của môi trường – như ánh sáng chói hoặc âm thanh lớn, dẫn đến cơn đau đầu hoặc xuất hiện các cơn đau nửa đầu nghiêm trọng hơn.

Theo Paul Durham – nhà nghiên cứu về bệnh đau nửa đầu tại Đại học bang Missouri (Mỹ), chứng đau nửa đầu là bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến não nhưng nó liên quan đến toàn bộ cơ thể. “Các hệ thống khác – như hệ miễn dịch, hệ tiêu hóa và hệ tim mạch – đều góp phần gây ra chứng đau nửa đầu. Điều đó nghĩa là nếu bạn chỉ nhắm vào một khía cạnh của chứng đau nửa đầu bằng thuốc giảm đau, thì khó có khả năng giảm bớt các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân “ – ông Durham nói thêm.

Những tác nhân kích hoạt cơn đau nửa đầu

Tuy có rất nhiều tác nhân gây đau nửa đầu và loại tác nhân kích hoạt còn tùy thuộc vào thể trạng của từng người bệnh, nhưng 9 tác nhân kích hoạt phổ biến nhất là: ánh sáng chói và âm thanh lớn; mùi hương mạnh (từ nước hoa, khói thuốc hoặc một số loại thực phẩm); thiếu ngủ, ngủ không ngon giấc hoặc bị lệch múi giờ; đói hoặc mất nước; dùng quá nhiều caffeine; uống rượu; biến động hoóc-môn (do chu kỳ kinh nguyệt, mang thai hoặc mãn kinh); chế độ ăn uống, đặc biệt là thực phẩm siêu chế biến và đường tinh luyện; căng thẳng tinh thần (stress).

Những biện pháp giúp điều trị và làm giảm triệu chứng đau nửa đầu

Có nhiều cách có thể giúp giảm bớt mức độ nghiêm trọng của bệnh đau nửa đầu hoặc ngăn cơn đau đầu trở thành chứng đau nửa đầu toàn diện, bao gồm: uống nhiều nước hoặc chườm lạnh vùng trán; nghỉ ngơi trong phòng tối, yên tĩnh để giảm bớt các tác nhân gây stress từ môi trường, dùng liệu pháp hành vi nhận thức (CBT). Tuy không có khả năng điều trị bệnh, nhưng CBT có thể hướng dẫn người bệnh biết cách để ứng phó với cơn đau và hiểu các tác nhân gây ra chứng đau nửa đầu.

Hiện tại, có 3 nhóm thuốc được dùng phổ biến trong điều trị bệnh đau nửa đầu:

+ Chất đối kháng với thụ thể peptide liên quan đến gien calcitonin (CGRP). Những loại thuốc trị đau nửa đầu mới này ngăn chặn hoạt động của một prôtêin CGRP, vốn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các triệu chứng đau nửa đầu.

+ Triptans. Đây là nhóm thuốc liên kết với một số loại thụ thể serotonin trong cơ thể và mang đến tác dụng giảm đau.

+ Nhóm thuốc giảm đau phổ biến như paracetamol hoặc aspirin. Tuy không giúp chữa khỏi bệnh đau nửa đầu mãn tính, song nhóm thuốc này có thể giúp người bệnh giảm nhanh cơn đau, trước khi tìm cách đẩy lùi hoặc né tránh tác nhân gây bệnh.

About Tin tức Y tế Cần Thơ

Tin tức Y tế Cần Thơ được trích dẫn nguồn từ trang baocantho.com.vn

Check Also

Sử dụng liệu pháp ánh sáng đỏ có an toàn?

Gần đây, liệu pháp ánh sáng đỏ (RLT) đã trở thành phương pháp điều trị …