(CTO) – Các bác sĩ Bệnh viện (BV) Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long nỗ lực cứu ngón tay cái bị hoại tử của người đàn ông 35 tuổi, ở tỉnh Đồng Tháp bằng cách thiết kế vạt da bụng rồi vùi ngón tay bệnh nhân vào trong vạt da nhằm tái tạo da ngón tay.
Ngón tay cái hoại tử do bỏng điện.
Ths.BS CKI Lê Thế Hiển, Khoa Cơ xương khớp, BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết: Ngón tay cái là ngón quan trọng nhất đối với chức năng vận động của bàn tay nên các bác sĩ nỗ lực giữ lại ngón cái cho bệnh nhân. May mắn người bệnh được đưa đến BV sớm, ngón tay chưa hoại tử gân và xương nên có thể phẫu thuật xoay vạt da giữ lại ngón tay.
Qua trường hợp này, BS Hiển khuyến cáo, bỏng điện có tỷ lệ tử vong cao, để lại di chứng giảm hoặc mất chức năng vận động hoặc tàn phế. Khi bị bỏng điện, nếu không sơ cứu cấp cứu kịp thời, những tổn thương có thể lan rộng, sâu xuống các mô bên dưới da. Khi có một dòng điện mạnh truyền qua cơ thể thì những tổn thương bên trong như rối loạn nhịp tim hay ngừng tim có thể xảy ra, do đó cần phải nắm một số bước để xử trí cấp cứu ngay tại nơi xảy ra tai nạn.
Người xung quanh khi sơ cứu nạn nhân bị bỏng điện cần lưu ý: Không chạm vào nạn nhân khi họ vẫn tiếp xúc với luồng điện. Nhanh chóng ngắt hết các thiết bị điện hoặc nguồn điện để ngăn không cho dòng điện tiếp tục truyền qua cơ thể nạn nhân. Trong trường hợp không thể ngắt nguồn điện ngay lập tức, nên đứng trên bề mặt khô ráo và dùng thanh gỗ để đẩy nạn nhân ra khỏi nguồn điện. Không di chuyển nạn nhân khi không cần thiết; kiểm tra tình trạng của nạn nhân. Trường hợp nạn nhân ngưng thở, cần hô hấp nhân tạo và thủ thuật hồi sức tim phổi ngay lập tức, sau đó gọi ngay đến cấp cứu của BV hoặc trung tâm y tế gần nhất. Trong khi chờ trợ giúp từ y tế, không nên sử dụng khăn tắm hoặc mền đắp lên vết bỏng vì các sợi vải có thể rơi ra và dính lên vết thương, khiến vùng da bị bỏng trở nên tồi tệ hơn. Tuyệt đối không cố gắng làm mát vùng da bị bỏng điện bằng nước đá lạnh hay bôi dầu mỡ; giữ ấm cho nạn nhân trong lúc chờ nhân viên y tế đến hỗ trợ.
THU SƯƠNG