Hiện có gần 300 trẻ mắc tay chân miệng đang điều trị nội trú tại khoa Nhiễm Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP Cần Thơ. Theo ghi nhận của bác sĩ, đợt dịch này, trẻ mắc tay chân miệng ít có triệu chứng lâm sàng, dấu hiệu bệnh rất mơ hồ; nhưng 10-15% trẻ mắc bệnh chuyển biến nặng, nguy hiểm tính mạng.
Thông kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ (CDC Cần Thơ), lũy tích từ đầu năm 2023 đến nay, khoảng 1.800 trường hợp trẻ mắc tay chân miệng, với 4 trường hợp tử vong. Thành phố ghi nhận 7 ổ dịch tay chân miệng tại 7/9 quận, huyện. Số ca mắc tập trung chủ yếu ở phân độ 2A (65,14%), phân độ 3 (0,21%) và phân độ 4 (0,21%).
Tại BV Nhi đồng TP Cần Thơ, khoa Nhiễm tiếp nhận điều trị bệnh nhi mắc tay chân miệng đến từ các tỉnh trong vùng ĐBSCL cũng quá tải. Ghi nhận vào ngày 24-10-2023, khoa có gần 300 trẻ bệnh tay chân miệng đang điều trị, trong khi khoa chỉ có 140 giường bệnh. Nhiều trẻ nằm giường kê ngoài hành lang.
Bệnh tay chân miệng trong đợt dịch này có dấu hiệu mơ hồ nhưng dễ chuyển nặng, nguy hiểm cho trẻ.
BS Huỳnh Hùng Dũng, Trưởng khoa Nhiễm cho biết, 2 ngày trước đã cho xuất viện khoảng 150 trẻ. Còn hiện tại, lượng bệnh tăng gấp 10 lần so với giai đoạn dịch mới khởi phát vào tháng 5-2023. Đợt dịch lần này với tác nhân gây bệnh chính là chủng virus EV71, có tỷ lệ bệnh nặng rất cao, chiếm khoảng 10-15%. Những đợt dịch trước, tỷ lệ chuyển nặng chỉ khoảng 1-2%.
Bệnh tay chân miệng xảy ra ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ trên 10 tuổi. Tuy nhiên, bệnh nguy hiểm nhất ở nhóm dưới 3 tuổi, vì hệ thống miễn dịch của trẻ chưa ổn định. Thời gian qua, nhiều trẻ bệnh nặng, BV không có thuốc điều trị, phải liên hệ lên TP Hồ Chí Minh để chuyển viện cho trẻ.
Theo BS Huỳnh Hùng Dũng, nhiều trẻ nhập viện với triệu chứng rất mơ hồ. Sau khi bác sĩ thăm khám, nghi ngờ trẻ mắc tay chân miệng, áp dụng phác đồ thì trẻ đáp ứng điều trị. Vì vậy, cả nhân viên y tế và người nhà đều cần cảnh giác với bệnh tay chân miệng ở trẻ em trong đợt này. Một số trẻ mắc tay chân miệng các đợt trước có triệu chứng bệnh rầm rộ nhưng mức độ nhẹ, nên nhiều phụ huynh có tâm lý chủ quan.
BS Dũng khuyên, trong đợt dịch này, ngay khi phụ huynh nghĩ con mình có biểu hiện gần giống tay chân miệng thì nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế thăm khám, chẩn đoán. Dấu hiệu điển hình của bệnh tay chân miệng là phát ban bóng nước. Tuy nhiên nhiều trường hợp chỉ phát ban rất ít, vài chấm nhỏ trong họng và tay chân, nên dễ bỏ sót. Vì vậy, trong mùa dịch, khi trẻ bị sốt, trong giấc ngủ bị giật mình, chới với dù không có dấu hiệu phát ban, phụ huynh cũng nên đưa trẻ đi khám, tầm soát kỹ. Bác sĩ sẽ chỉ định việc điều trị phù hợp. Phụ huynh nên đưa trẻ nhập viện để bác sĩ và điều dưỡng theo dõi sát diễn tiến bệnh, hạn chế xảy ra trường hợp đáng tiếc.
Chị Ngọc Diệu, mẹ của bệnh nhi 28 tháng tuổi ở tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Thấy tay chân con có vài đốm nhỏ, trong miệng có đốm trắng như nổi đẹn, tôi đã đưa con đến phòng mạch tư thăm khám. Bác sĩ chẩn đoán bé bị tay chân miệng, khuyên cho trẻ về nhà theo dõi, nhưng gia đình không yên tâm, đưa ngay trẻ đến Cần Thơ, nhập viện BV Nhi đồng. Hôm nay, bé đã khỏe hơn, bớt quấy khóc, ngủ ngon giấc hơn. Các bác sĩ thăm khám thường xuyên, nên gia đình an tâm, tin cậy các bác sĩ”.
Thông thường bệnh tay chân miệng diễn biến trong vòng 7 ngày kể từ khi khởi phát bệnh. Tuy nhiên, với chủng virus lần này, trẻ mắc bệnh phải qua ngày 10 mới được xem là an toàn. Một số trường hợp, trẻ mắc bệnh ngày 7-8, bệnh vẫn có thể chuyển sang độ nặng chứ chưa lui. Tay chân miệng do nhiều chủng virus gây ra, chủ yếu qua đường tiêu hóa. Do vậy, trẻ có thể tái mắc tay châm miệng nhiều lần trong năm, trong đời, do tiếp xúc với nhiều tác nhân khác nhau.
Những năm trước, dịch thường bùng phát vào đầu năm học, tuy nhiên, năm nay dịch bùng sớm hơn, cuối tháng 5-2023. Vì vậy, khi tựu trường, nhóm trẻ bệnh trở thành nguồn lây nên dịch bệnh rầm rộ hơn vào đầu năm học này. Bác sĩ cũng khuyến cáo với phụ huynh, khi con bệnh nên cách ly 14 ngày, cho trẻ qua giai đoạn nguy hiểm rồi mới tiếp tục đi học trở lại; đồng thời ngăn nguy cơ lây lan cho cộng đồng. Các trường hợp mầm non, nhóm trẻ cần vệ sinh môi trường phòng học, sát khuẩn các dụng cụ sinh hoạt dùng chung cho trẻ như chén muỗng, đồ chơi để giảm thiểu nguy cơ lây lan bệnh.
Bài, ảnh: THU SƯƠNG