Y tế Cần Thơ vượt khó, triển khai nhiều kỹ thuật cao

Rate this post
ĐOÀN LÝ – THU SƯƠNG

Năm 2022 với nhiều biến động và thách thức mới phát sinh, dù đối mặt với nhiều khó khăn, song ngành Y tế Cần Thơ đã nỗ lực khắc phục hạn chế, vượt khó để hoàn thành sứ mệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đồng thời không ngừng triển khai kỹ thuật cao, chuyên sâu, đảm nhận vai trò trung tâm y tế vùng ĐBSCL.

Nỗ lực vượt khó

BV Phụ sản TP Cần Thơ triển khai nhiều kỹ thuật cao, góp phần nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị. Ảnh: THU SƯƠNG

BV Phụ sản TP Cần Thơ triển khai nhiều kỹ thuật cao, góp phần nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị. Ảnh: THU SƯƠNG

Trong cơn khủng hoảng chung về thuốc, vật tư y tế… nhưng Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ không ngừng tiến về phía trước, triển khai hàng loạt kỹ thuật cao vào cuối năm 2022. Cụ thể là: kỹ thuật HyFoSy, đánh giá tính thông ống dẫn trứng chính xác, an toàn; kỹ thuật chọc hút tế bào bằng kim nhỏ, giúp thực hiện được trên những tổn thương có kích thước nhỏ hoặc nằm sâu, tránh bỏ sót tổn thương.

Theo BS CKII Nguyễn Hữu Dự, Giám đốc BV Phụ sản TP Cần Thơ, năm qua, dù nhiều khó khăn nhưng với sự đoàn kết của cán bộ, nhân viên, nên các chỉ tiêu chuyên môn đạt trên 95%; tiêu chí quản lý chất lượng đạt được 4,41 (mức 5). BV đảm bảo đời sống cán bộ nhân viên, không có trường hợp nghỉ việc vì thu nhập. Kết quả khảo sát sự hài lòng của người bệnh, BV đạt 99,8%. Khoa Xét nghiệm – Di truyền học được công nhận đạt chuẩn xét nghiệm ISO: 15189:2012. BV có 65 đề tài, sáng kiến được thực hiện, trong đó có 9 đề tài, sáng kiến được UBND thành phố công nhận phạm vi ảnh hưởng cấp thành phố và toàn quốc.

Năm 2022, BV Phụ sản TP Cần Thơ tiếp nhận khám cho trên 184.000 lượt ngoại trú, 27.000 lượt nội trú, với hơn 50% người bệnh đến từ các tỉnh, kể cả Việt kiều. BV đã cấp cứu, điều trị thành công cho rất nhiều trường hợp bệnh nặng, nguy kịch; đón hơn 8.800 em bé chào đời khỏe mạnh tại BV. Tiếp nhận và điều trị thành công trên 400 trường hợp thai sản phụ nhiễm COVID-19. Trong lĩnh vực nhi sơ sinh: điều trị thành công bé sinh non đạt tỷ lệ 96,5%, bé cực non 40% với cân nặng nhỏ nhất 750 gram, tuổi thai nhỏ nhất 24 tuần 6 ngày. Lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, tỷ lệ mang thai bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đạt 50,1% (năm 2022 có 70 em bé chào đời từ phương pháp này)…

Với vai trò là BV tuyến cuối của hệ thống y tế thành phố, BV Đa khoa TP Cần Thơ tiếp nhận gần 400.000 lượt khám chữa bệnh ngoại trú và hơn 34.000 lượt điều trị nội trú. BV đã triển khai được hầu hết các kỹ thuật cao, chuyên sâu ở hầu hết các lĩnh vực. BV còn chủ động nhiều giải pháp thực hiện chiến lược phát triển BV giai đoạn 2023-2025 với mũi nhọn ưu tiên phát triển chuyên môn và nhiều lĩnh vực chuyên khoa ghép tạng, phẫu thuật tim, ứng dụng robot vào điều trị; tập trung nâng cấp và mở rộng quy mô BV lên 1.000 giường bệnh…

Mặc dù khó khăn, thách thức nhưng hầu hết các BV trên địa bàn thành phố vẫn đảm bảo công tác chuyên môn. BS Nguyễn Minh Vũ, Giám đốc BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết: BV có 1.000 giường kế hoạch nhưng có lúc lên đến 1.500 bệnh nhân nội trú. Năm 2022, các chỉ tiêu kế hoạch đều đạt từ 130-300%. BV đảm bảo thuốc, vật tư, hóa chất cho bệnh nhân có thẻ BHYT, không có trường hợp bệnh nhân BHYT mua thuốc ở ngoài để điều trị. Dù bệnh nhân từ các tỉnh ĐBSCL, các BV ở TP Cần Thơ chuyển về Đa khoa Trung ương rất đông do bệnh nặng, do thiếu trang thiết bị, thuốc…, nhưng hầu hết đều được cấp cứu thành công.

Tấm lòng của người thầy thuốc

Bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - chống độc BV Nhi đồng TP Cần Thơ thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: HUỆ HOA

Bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực – chống độc BV Nhi đồng TP Cần Thơ thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: HUỆ HOA

Có thể thấy, đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều hệ lụy cho ngành Y tế, nhưng không vì thế mà đội ngũ thầy thuốc lùi bước, họ luôn nỗ lực vượt khó để bảo vệ, chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân thành phố và các tỉnh trong khu vực ĐBSCL.

Ở BV Nhi đồng TP Cần Thơ có đến 60% lượng bệnh đến từ các tỉnh ĐBSCL, đa số là bệnh nặng; các thầy thuốc căng sức chiến đấu với tử thần, giành giật sự sống cho trẻ thơ. Năm 2022, BV Nhi đồng TP Cần Thơ cũng đối mặt với tình trạng thiếu thuốc, vật tư, hóa chất; đội ngũ y bác sĩ phải tìm cách điều trị tối ưu cho bệnh nhi, lo tìm nguồn thuốc điều trị. Các thầy thuốc còn chịu nhiều áp lực từ người nhà bệnh nhân; đôi lúc người thân bệnh nhân lo lắng, căng thẳng khi trẻ bệnh nặng, nên chất vấn thầy thuốc về tình trạng bệnh, hoặc xin chuyển viện dù trẻ đang vào sốc không thể chuyển viện…

BS Trần Huỳnh Việt Trang, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực – chống độc BV Nhi đồng TP Cần Thơ, cho biết: “Với các ca bệnh tiên lượng khó khăn, bác sĩ và điều dưỡng rất căng thẳng, chỉ biết cố gắng hết sức mình, làm mọi cách, tranh thủ từng phút để trẻ qua cơn nguy kịch. Khi tình trạng bệnh cải thiện, trẻ tiếp tục cuộc sống thì mình rất vui. Đây chính là liều thuốc để các thầy thuốc vượt qua khó khăn và tiếp tục làm việc. Hơn 20 năm gắn bó với khoa, dù môi trường làm việc cực nhọc, căng thẳng nhưng chưa có một bác sĩ, điều dưỡng nào xin nghỉ”.

Theo BS Trần Huỳnh Việt Trang, động lực làm việc của các thầy thuốc là nhiệt huyết yêu nghề và sự tin tưởng tuyệt đối của người nhà bệnh nhân. Như trường hợp cháu T.N.H, 13 tuổi, ở tỉnh Hậu Giang, bị sốt xuất huyết được BV địa phương chuyển đến; tình trạng rất nặng, cháu được đặt nội khí quản thở máy, sử dụng kháng sinh cao cấp, truyền các chế phẩm máu, điều trị nâng đỡ nhưng tình trạng suy đa cơ quan diễn tiến xấu dần… Những ca nặng như H, khi lọc máu liên tục 1-2 chu kỳ mà không cải thiện thường sẽ chuyển lên tuyến trên, nhưng ca này, tuyến trên không nhận, BV chỉ còn cách làm hết sức mình. Và điều kỳ diệu đã đến sau hơn 1 tháng điều trị tích cực, chức năng gan thận của bé dần hồi phục, bé được ngưng lọc máu, cai máy dần. Đây là động lực để người thầy thuốc bước tiếp.

Chinh phục kỹ thuật khó, mới

Lãnh đạo BV Nhi đồng TP Cần Thơ cho biết, thực hiện tự chủ chi thường xuyên hoàn toàn từ năm 2000, nhưng dịch COVID-19 ập đến, lượng bệnh nhi giảm mạnh. Năm 2022, BV chưa thực hiện đề án khám chữa bệnh theo yêu cầu; thu không đủ chi, lương phát chậm, khiến cho đời sống nhân viên gặp nhiều khó khăn… Trong bối cảnh đó, BV vẫn nỗ lực duy trì công tác khám chữa bệnh, chỉ đạo tuyến, triển khai các kỹ thuật mới như: đo hô hấp ký, nội soi khí phế quản, điều trị dậy thì sớm, dậy thì muộn…

Hiện tại, BV Nhi đồng TP Cần Thơ đã thực hiện được hầu hết các kỹ thuật cao trong hồi sức bệnh nhi có bệnh lý nặng như thở máy, lọc máu liên tục, thay huyết tương, đo huyết áp động mạch, tĩnh mạch trung tâm, chọc màng phổi, màng tim… góp phần giảm tải cho BV nhi ở TP Hồ Chí Minh. Theo BS Ông Huy Thanh, Phó Giám đốc BV Nhi đồng TP Cần Thơ, năm 2023, BV triển khai thông tim (ca phức tạp), triển khai nội soi tiêu hóa và tiêu hóa dưới chẩn đoán và điều trị, hoàn chỉnh các kỹ thuật phẫu thuật ngoại nhi mà BV ở TP Hồ Chí Minh chuyển giao (các dị tật đường tiết niệu)…

Còn BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa được đầu tư vốn chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội 70 tỉ đồng để xây dựng khối nhà 2.700m² mở rộng 7 phòng mổ, mở rộng khoa tim mạch can thiệp… Bộ Y tế cũng đã đồng ý để BV làm đề án tiếp nhận BV chấn thương chỉnh hình. Hiện BV có đầy đủ trang thiết hiện đại phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị với DSA có 3 máy, CT 3 máy, 2 máy MRI (trong đó có 1 máy MRI 3 tesla).

BS Nguyễn Minh Vũ, Giám đốc BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết: BV có khoảng 1.400 nhân viên, gồm 400 bác sĩ, trình độ sau đại học chiếm khoảng 80%. Hầu hết các kỹ thuật chuyên sâu đều thực hiện được và không cần chuyển bệnh nhân lên tuyến trên (chỉ chuyển bệnh nhân theo yêu cầu). Trong các kỹ thuật chuyên sâu thì hiện chỉ còn ghép tạng là BV chưa làm. BV đã làm xong đề án ghép thận, dự kiến đầu quý II-2023 sẽ triển khai ca ghép thận đầu tiên, sau đó là sẽ triển khai ghép thận thường quy. BV đã ký hợp đồng nguyên tắc với Nhật Bản về đào tạo nhân lực. BV cũng thúc đẩy hợp tác tương tự với Hoa Kỳ, Pháp, Thụy Sĩ.

Trong lĩnh vực sản khoa, BV Phụ sản TP Cần Thơ đã thực hiện kỹ thuật mới siêu âm bơm nước buồng tử cung. BS CKI Hồ Thị Kim Yến, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, BV Phụ sản cho biết, kỹ thuật này thường được chỉ định sau khi đã siêu âm đầu dò âm đạo mà vẫn chưa khẳng định được bất thường buồng tử cung như: nhân xơ lòng tử cung, polyp nội mạc tử cung, dính buồng tử cung, dị tật bẩm sinh tử cung, nghi ngờ bất thường buồng tử cung (rong kinh hoặc ra huyết âm đạo bất thường), sẩy thai tái phát, hiếm muộn… Kỹ thuật này giúp các bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác, nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.

About Tin tức Y tế Cần Thơ

Tin tức Y tế Cần Thơ được trích dẫn nguồn từ trang baocantho.com.vn

Check Also

Sử dụng liệu pháp ánh sáng đỏ có an toàn?

Gần đây, liệu pháp ánh sáng đỏ (RLT) đã trở thành phương pháp điều trị …