Lo ngại ca sốt xuất huyết nặng tăng

Rate this post

Bài, ảnh: H.HOA

BS Nguyễn Huỳnh Nhật Trường, Trưởng Khoa Sốt xuất huyết (SXH) Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ cho biết: Bệnh SXH không tăng, tuy nhiên năm nay có thêm tuýp DEN-4. Vì thế, trên bệnh nhân SXH có khả năng tổn thương gan, thận, rối loạn đông máu… so với bệnh SXH năm rồi, tình trạng có thể nặng hơn.

Tập huấn về giám sát phòng, chống bệnh SXH và chẩn đoán, điều trị bệnh SXH cho các cơ sở y tế.

Ghi nhận tuýp DEN- 4

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, từ đầu năm 2023 đến ngày 12-8-2023, TP Cần Thơ đã có ghi nhận 1.287 ca mắc SXH (1 ca tử vong). Số ca mắc SXH giảm 1.959 ca so với cùng kỳ năm 2022. Số ca SXH tập trung ở 3 quận: Ninh Kiều (254 ca), Thốt Nốt (178 ca), Ô Môn (178 ca). Ca mắc tập trung nhiều ở trẻ dưới 15 tuổi. Trong đó có 52 ca mắc SXH nặng. Thành phố cũng ghi nhận trên 320 ổ dịch SXH.

Trong nửa đầu tháng 8-2023, CDC Cần Thơ cùng Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ tập huấn về giám sát phòng, chống bệnh SXH và chẩn đoán, điều trị bệnh SXH cho các bệnh viện đa khoa công lập, tư nhân; trung tâm y tế, trạm y tế tại 9 quận, huyện. Ngành y tế cũng phối hợp ngành giáo dục đưa nội dung phòng, chống dịch bệnh, trong đó có bệnh SXH vào chương trình chính trị hè cho cán bộ quản lý, giáo viên.

Virus Dengue có 4 type huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Trong năm 2022, đa số ca SXH ghi nhận thuốc tuýp DEN-1 và DEN-2. Trong 7 tháng đầu năm 2023, các cơ sở y tế đã lấy 112 mẫu huyết thanh và thực hiện phân lập virus Dengue. Kết quả có 6 mẫu tuýp DEN-1, 12 mẫu tuýp DEN-2 và 2 mẫu tuýp DEN-4.

Ðặc điểm của bệnh SXH là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng. Theo BS Nguyễn Huỳnh Nhật Trường, bệnh SXH thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Ở giai đoạn sốt có các biểu hiện như sốt cao liên tục, đột ngột; nhức đầu, chán ăn, buồn nôn; da xung huyết; đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt; thường có chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi. Biểu hiện cận lâm sàng: Hematocrit (Hct) bình thường. Số lượng tiểu cầu bình thường hoặc giảm dần (nhưng còn trên 100.000/mm3). Số lượng bạch cầu thường giảm.

Giai đoạn nguy hiểm: thường vào ngày thứ 3 đến thứ 7 của bệnh. Về lâm sàng: người bệnh còn sốt hoặc đã giảm sốt; vật vã, lừ đừ, li bì; đau bụng nhiều; nôn ói; gan to trên 2cm dưới bờ sườn phải; xuất huyết: da, niêm mạc, tiêu hóa… Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng. Cận lâm sàng: Hct >20% so với giá trị ban đầu. Số lượng tiểu cầu dưới 100.000. AST, ALT thường tăng. Siêu âm hoặc X-quang có thể phát hiện tràn dịch màng bụng, màng phổi. Có thể rối loạn đông máu.

Giai đoạn hồi phục: thường vào ngày thứ 7 đến ngày 10 của bệnh. Lâm sàng: Hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, huyết động ổn định và tiểu nhiều. Có thể phát ban hồi phục hoặc ngứa ngoài da. Có thể có nhịp tim chậm, không đều, có thể có suy hô hấp do quá tải dịch truyền. Cận lâm sàng: Hct trở về bình thường hoặc có thể thấp hơn. Số lượng bạch cầu thường tăng lên. Số lượng tiểu cầu dần trở về bình thường. AST, ALT có khuynh hướng giảm.

Nên nhập viện theo dõi

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, SXH nhẹ có thể điều trị tại nhà. BS Nguyễn Huỳnh Nhật Trường cho biết: Xem xét nhập viện với các cháu mà nhà xa cơ sở y tế, không thể nhập viện kịp thời khi bệnh trở nặng. Gia đình không có khả năng theo dõi sát. Trẻ nhũ nhi. Dư cân, béo phì. Bệnh mạn tính đi kèm (thận, máu, tim, gan, hen, bệnh lý về máu…).

Với kinh nghiệm điều trị bệnh SXH, BS Nguyễn Huỳnh Nhật Trường, khuyến cáo khi trẻ bị SXH nên cho trẻ nhập viện theo dõi. Bởi SXH có 4 tuýp, không xác định trẻ bị tuýp nào, mỗi cơ địa trẻ khác nhau, diễn biến bệnh khác nhau. Khi nhập viện, bác sĩ, điều dưỡng theo dõi sát, xử trí kịp thời diễn biến của bệnh.

Khoa SXH, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ tiếp nhận các ca SXH nặng không chỉ ở TP Cần Thơ mà ở các tỉnh trong vùng ÐBSCL. Khoa SXH được giao 65 giường, thực kê 80 giường. Hiện nay, số SXH không tăng nên khoa không quá tải. Thuốc điều trị bệnh SXH không thiếu. Mặc dù bệnh SXH không tăng nhưng vẫn có những trẻ bị tái sốc nhiều lần, tổn thương gan, thận…

Trong trường hợp điều trị tại nhà, khi có 1 trong các dấu hiệu sau: Thấy bé mệt mỏi, khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt. Không ăn, uống được. Nôn ói nhiều. Ðau bụng nhiều. Tay chân lạnh ẩm. Mệt lả, bứt rứt. Chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo thì nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay.

About Tin tức Y tế Cần Thơ

Tin tức Y tế Cần Thơ được trích dẫn nguồn từ trang baocantho.com.vn

Check Also

Sử dụng liệu pháp ánh sáng đỏ có an toàn?

Gần đây, liệu pháp ánh sáng đỏ (RLT) đã trở thành phương pháp điều trị …