Khoảng trống cấp cứu ngoại viện ở miền Tây

Rate this post
Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Nửa đêm, bác Trần Văn Ba (ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) lên cơn khó thở nặng do tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Người nhà cuống quýt, gọi đến nhiều bệnh viện (BV) cả tuyến trung ương và thành phố trên địa bàn quận Ninh Kiều nhưng không nơi nào có dịch vụ xe cấp cứu đến nhà hỗ trợ bệnh nhân. Đây không phải là câu chuyện riêng của TP Cần Thơ, mà là thực trạng chung của hầu hết ngành y tế các tỉnh miền Tây. Khoảng trống cấp cứu ngoại viện rất lớn, liên quan đến an nguy sức khỏe, tính mạng người dân khi không may xảy ra bệnh tật, tai nạn đột ngột tại cộng đồng.

Chưa có tỉnh nào có trung tâm cấp cứu 115

BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ hiện quản lý đầu số tổng đài cấp cứu 115 của thành phố Cần Thơ. Theo BS Trần Chí Kỷ, do “lịch sử để lại”, trên cơ sở tách từ BV Đa khoa tỉnh Cần Thơ cũ, BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ được giao quản lý tạm thời trung tâm 115 đến nay. BV đã nhiều lần kiến nghị trả lại cho ngành y tế thành phố quản lý nhưng chưa được giải quyết. Danh nghĩa là trung tâm, thực chất có rất nhiều bất cập về cơ chế, nhân lực, trang thiếu bị cũng như quy trình vận hành chuyên nghiệp. “Thời gian tới, BV Đa khoa Trung ương muốn giao lại đầu số này cho BV của thành phố quản lý, sẽ phù hợp hơn”- BS Kỷ cho biết.

Số điện thoại cấp cứu của BV Đa khoa TP Cần Thơ là 02923823103, khó nhớ và rất ít người biết đến. Mà nếu như số điện thoại này được nhiều người biết, khả dĩ, BV cũng không đáp ứng được nhu cầu cấp cứu ngoại viện cho cộng đồng. Đó là chia sẻ của BS CKII Đặng Văn Hải, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu BV Đa khoa TP Cần Thơ. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Khoa Cấp cứu tiếp nhận gần 16.000 bệnh nhân, tuy nhiên, chưa đến 1% bệnh nhân được cấp cứu ngoại viện. Theo BS Hải, cấp cứu ngoại viện cực kỳ quan trọng trong việc sơ cấp cứu ban đầu, giúp người bệnh giảm nguy cơ tử vong và biến chứng. Với năng lực cấp cứu ngoại viện của Cần Thơ hiện nay, đa phần người bệnh đến BV trễ, kéo theo nhiều biến chứng và hệ lụy cho sức khỏe, tính mạng.

Cán bộ Y tế khoa Cấp cứu BV Đa khoa TP Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhân đến cấp cứu.

Cán bộ Y tế khoa Cấp cứu BV Đa khoa TP Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhân đến cấp cứu.

Thực trạng này do nhiều nguyên nhân. Hầu hết xe cấp cứu trang bị thô sơ, như 20 năm trước, đơn thuần là phương tiện chở người bệnh từ nơi bị nạn đến BV. Trong khi đó, các xe cấp cứu chuyên dụng phải có đầy đủ các phương tiện hiện đại, cần thiết hỗ trợ cấp cứu khẩn cho bệnh nhân nguy kịch gồm máy thở, máy sốc điện, hệ thống oxy trung tâm. Để hoạt động cấp cứu ngoại viện đạt hiệu quả, cần đội ngũ “lành nghề”, được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu để xử trí tại hiện trường. Thành phố cũng chưa có trung tâm điều phối để liên kết mạng lưới cấp cứu ngoại viện từ thành phố đến cơ sở. “Một món nợ khác với cộng đồng khiến chúng tôi rất đau lòng, là thiếu kênh truyền thông chính thống của 115 để cung cấp kiến thức, kỹ năng đúng về sơ cấp cứu ban đầu. Nếu người dân được tiếp cận thông tin sẽ biết xử trí đúng cách, bảo vệ bản thân và gia đình khi xảy ra sự cố”- BS Hải băn khoăn.

Các tỉnh trong vùng đều gặp khó khăn chung như Cần Thơ trong lĩnh vực cấp cứu ngoại viện. BS La Quốc Trung, Trưởng khoa Cấp cứu BV Đa khoa tỉnh Trà Vinh cho biết, Trà Vinh cũng chưa có trung tâm cấp cứu 115 mà chỉ có tổ cấp cứu do khoa cấp cứu các BV quản lý. Các tổ này hoạt động độc lập, tổ của BV tuyến tỉnh liên hệ tổ ở trung tâm y tế huyện không được và ngược lại. Khoa Cấp cứu hiện có 10 bác sĩ và hơn 20 điều dưỡng, chia làm các ê-kíp, tiếp nhận cấp cứu nội viện trung bình 140 bệnh nhân/ngày. Áp lực công việc lớn, thiếu quy trình phối hợp nên hoạt động cấp cứu ngoại viện chưa đáp ứng nhu cầu của cộng đồng. BV được tỉnh đầu tư xe cấp cứu hiện đại trị giá hơn 5 tỉ đồng, tuy nhiên, mỗi năm chưa tới 2% bệnh nhân được xử trí cấp cứu ngoại viện trong tổng số 41.000 bệnh nhân cấp cứu. Đa phần bệnh nhân tự đến BV cấp cứu. Một khó khăn khác là cơ chế thù lao chưa rõ ràng, nên cán bộ y tế ngán nhận thêm trách nhiệm. Còn BS Nguyễn Hoàng Long, Phó Trưởng khoa Cấp cứu BV Đa khoa tỉnh Bạc Liêu, chia sẻ: Cấp cứu tại hiện trường có muôn vàn khó khăn, bất cập từ con người, phương tiện, cơ chế pháp lý và phối hợp với các bên liên quan.

Cấp cứu ngoại viện giúp duy trì chức năng sống của nạn nhân ở tình trạng ổn định nhất có thể cho đến khi đưa đến BV, giảm thiểu nguy cơ tử vong và mức độ thương tật, đặc biệt đối với các trường hợp nguy kịch. Theo BS CKII Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 TP Hồ Chí Minh, không riêng Cần Thơ hay khu vực ĐBSCL mà cả khu vực phía Bắc cũng gặp nhiều khó khăn trong lĩnh vực cấp cứu ngoại viện. Tuy nhiên, với mong muốn đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cấp bách của cộng đồng thì mọi khó khăn đều có thể có giải pháp.

Kinh nghiệm từ các mô hình chuyên nghiệp

Qua 10 năm hình thành và phát triển, Trung tâm cấp cứu 115 TP Hồ Chí Minh đạt được nhiều thành quả vượt bậc trong công tác cấp cứu ngoại viện. Giám đốc Nguyễn Duy Long cho biết, Trung tâm hiện có 39 trạm vệ tinh trực thuộc các BV, phủ khắp các địa bàn thành phố. Mỗi ngày, trung tâm tiếp nhận từ 1.000-1.200 cuộc gọi, được tổng đài viên sàng lọc, xác định những trường hợp cần kíp sẽ điều phối xe cấp cứu ở nơi thuận tiện nhất tức tốc đến hỗ trợ người bệnh. Gần đây, trung tâm còn phát triển loại hình cấp cứu chuyên sâu hơn, lựa chọn đơn vị có năng lực điều trị, tận dụng tối đa thời gian vàng cho người nguy kịch. Song song với hệ thống y tế công lập, đơn vị cấp cứu ngoại viện của phòng khám tư nhân FMP cũng ứng dụng nhiều kỹ thuật cao và thiết bị tiên tiến trong quy trình cấp cứu ngoại viện, tạo được uy tín cho cộng đồng ở TP Hồ Chí Minh.

BS Trần Chí Cường (giữa), Giám đốc S.I.S cho biết, trong tháng 10-2023, sẽ triển khai hệ thống điện tâm đồ từ xa, giúp phát hiện và xử trí kịp thời trường hợp có nguy cơ về tim mạch tại cộng đồng.

BS Trần Chí Cường (giữa), Giám đốc S.I.S cho biết, trong tháng 10-2023, sẽ triển khai hệ thống điện tâm đồ từ xa, giúp phát hiện và xử trí kịp thời trường hợp có nguy cơ về tim mạch tại cộng đồng.

Tại TP Cần Thơ, BV S.I.S ngày càng uy tín với người dân miền Tây trong xử lý các vấn đề sức khỏe nghi ngờ đột quỵ. BS Trần Chí Cường, Giám đốc BV S.I.S Cần Thơ cho biết, ngay từ đầu thành lập, BV chú trọng vai trò của cấp cứu ngoại viện, để bệnh nhân đột quỵ có cơ hội được cứu sống. BV S.I.S vận hành tổng đài cấp cứu chuyên biệt cho đột quỵ, miễn phí hoàn toàn giúp người dân dễ dàng tiếp cận. Từ khi hoạt động, tổng đài 1800 1115 của S.I.S đã tiếp nhận hơn 600.000 cuộc gọi, nhờ đó rất nhiều người bệnh được cứu chữa.

Theo BS Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, đại dịch COVID-19 đã bộc lộ hạn chế trong năng lực hồi sức cấp cứu của ngành y tế. Riêng lĩnh vực cấp cứu ngoại viện, hiện thiếu giải pháp tổng thể cho toàn ngành trong sự phối hợp giữa các đơn vị y tế các tỉnh, thành cũng như hệ thống y tế từ tuyến tỉnh đến xã phường. Luật khám, chữa bệnh có hiệu lực thi hành vào đầu năm 2024 có những quy định mới liên quan đến cấp cứu ngoại viện. Theo đó, TP Cần Thơ nói riêng, các tỉnh vùng ĐBSCL nói chung, cần thiết xây dựng đề án trung tâm cấp cứu 115 của mỗi địa phương, đồng thời, liên kết để tranh thủ nguồn lực, nâng cao chất lượng hoạt động chuyên nghiệp hơn.

Mới đây, Sở Y tế TP Cần Thơ phối hợp với BV S.I.S tổ chức hội thảo Nâng cao năng lực phối hợp cấp cứu ngoại viện 115 cho các BV trong khu vực. Qua đó, tranh thủ kinh nghiệm quý báu của các chuyên gia, đơn vị trong và ngoài nước đã vận hành hiệu quả mô hình cấp cứu ngoại viện. Từ đó, tìm ra các giải pháp phù hợp, xây dựng đề án cụ thể trên cơ sở thực trạng chung của thành phố và các tỉnh.

Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Hoàng Quốc Cường bày tỏ quyết tâm: “Qua 10 năm, Trung tâm cấp cứu 115 TP Hồ Chí Minh đã tiến đến đề án cấp cứu ngoại viện nâng cao, chuyên nghiệp, còn Cần Thơ và các tỉnh miền Tây mới bắt đầu đi lại từ đầu. Để rút ngắn thời gian, chúng ta vận dụng từ những bài học kinh nghiệm của TP Hồ Chí Minh. Ngay bây giờ phải dấn thân, xây dựng đề án của riêng Cần Thơ và toàn vùng. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu, đòi hỏi sự phối hợp, hỗ trợ từ nhiều phía: chính quyền địa phương, ngành y tế thành phố, các BV và nguồn lực đầu tư rất lớn, kể cả con người, trang thiết bị y tế”.

About Tin tức Y tế Cần Thơ

Tin tức Y tế Cần Thơ được trích dẫn nguồn từ trang baocantho.com.vn

Check Also

Sử dụng liệu pháp ánh sáng đỏ có an toàn?

Gần đây, liệu pháp ánh sáng đỏ (RLT) đã trở thành phương pháp điều trị …