Rà soát, tiêm bổ sung vaccine cho trẻ mầm non và lớp 1

Rate this post

Bài, ảnh: H.HOA

Trường học là môi trường có nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm. Vì vậy, công tác kiểm tra tiền sử tiêm chủng khi trẻ nhập học và triển khai tiêm chủng bù liều cho các trẻ chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi vaccine là cần thiết và hiệu quả, giúp giảm số lượng trẻ bị bỏ sót không tiêm chủng, đảm bảo sức khỏe cho trẻ.

Nhóm trẻ từ 1-3 tuổi (độ tuổi nhà trẻ), nhóm 4-5 tuổi (độ tuổi mầm non) và nhóm 6-8 tuổi (độ tuổi tiểu học) vẫn là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất khi dịch bệnh xảy ra. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo các quốc gia về triển khai kiểm tra tiền sử tiêm chủng cho trẻ bước vào độ tuổi đi học. Việc kiểm tra tiền sử tiêm chủng khi nhập học đã được triển khai tại hơn 130 quốc gia trên thế giới và ghi nhận những hiệu quả tích cực trong phòng ngừa dịch bệnh. Tại Việt Nam, Cần Thơ là một trong 12 tỉnh, thành trong cả nước triển khai rà soát tiền sử tiêm chủng và tiêm bổ sung cho trẻ trong độ tuổi mầm non, tiểu học (lớp 1).

Thực hiện Kế hoạch số 186/KH-UBND ngày 31-8-2023 của UBND thành phố và Kế hoạch số 3829/KH-SYT ngày 8-9-2023 của Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ xây dựng kế hoạch triển khai kiểm tra tiền sử tiêm chủng cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố. Với mục tiêu là tăng tỷ lệ bao phủ các vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Đối tượng cần kiểm tra tiền sử tiêm chủng là tất cả trẻ em nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học (lớp 1). Đối tượng cần tiêm chủng bù liều là trẻ em được xác định chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ liều vaccine sởi, sởi – rubella, bại liệt, viêm não Nhật Bản sẽ được tiêm chủng bù các vaccine này. Vaccine sử dụng trong tiêm chủng mở rộng bao gồm các mũi tiêm do Chương trình tiêm chủng mở rộng thực hiện miễn phí và tiêm tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ (trả tiền).

Nhân viên y tế tiêm bổ sung vaccine bại liệt cho trẻ.

Nhân viên y tế tiêm bổ sung vaccine bại liệt cho trẻ.

Theo Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, việc kiểm tra tiền sử tiêm chủng khi nhập học và tiêm bổ sung tập trung phát hiện, tiêm chủng cho trẻ chưa tiêm đủ mũi nhằm thu hẹp khoảng trống miễn dịch, chủ động phòng, chống dịch; tiết kiệm nguồn lực so với triển khai chiến dịch tiêm chủng bổ sung đồng loạt cho tất cả trẻ em trong cộng đồng; kiểm tra lịch sử tiêm chủng của trẻ em trong độ tuổi đi học. Từ đó xác định trẻ thiếu vaccine và tổ chức tiêm bổ sung. Việc tổ chức tiêm bổ sung sẽ căn cứ tình hình và điều kiện thực tế để triển khai tiêm chủng bù liều tại các trạm y tế hoặc tại các điểm tiêm chủng ngoài trạm (tại cơ sở giáo dục).

Trong phối hợp công tác rà soát, giáo viên chủ nhiệm sẽ thu thập hồ sơ tiêm chủng của từng học sinh từ cha mẹ: bản photo, bản chụp sổ/phiếu tiêm chủng, giấy xác nhận tiêm chủng… và gửi toàn bộ hồ sơ tiêm chủng cho y tế trường học tổng hợp. Các trường sẽ lập danh sách học sinh theo lớp, theo trường chuyển toàn bộ thông tin tiêm chủng của trẻ nhập học cho trạm y tế. Các cơ sở y tế sẽ tiếp nhận danh sách và thông báo cho nhà trường về danh sách những trẻ cần tiêm chủng, kế hoạch dự kiến triển khai tiêm bù mũi… Đối với trường hợp thiếu mũi, nhưng không đăng ký tiêm bổ sung vaccine theo Chương trình tiêm chủng mở rộng thì tư vấn cho trẻ tiêm/uống các loại vaccine có thành phần tương tự tại các điểm tiêm dịch vụ.

BS CKI Lê Phúc Hiển, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm và Kiểm dịch Y tế quốc tế, CDC Cần Thơ, cho biết: Trong quá trình thu thập tiền sử tiêm chủng, các giáo viên chủ nhiệm chú ý tuổi của trẻ, loại vaccine trẻ tiêm là tiêm chủng mở rộng hay dịch vụ để thu thập cho chính xác. Bởi lịch tiêm, số mũi tiêm của 1 số loại vaccine tiêm chủng mở rộng và dịch vụ không giống nhau. Sau khi rà soát xong, sẽ tổng hợp báo cáo xin vaccine từ Bộ Y tế để tiêm bổ sung miễn phí cho các cháu.

Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành y tế đã tạm ngưng Chương trình tiêm chủng mở rộng tại trạm y tế. Sau dịch COVID-19, việc thiếu vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, khiến cho một bộ phận trẻ em tiêm ngừa chưa đầy đủ. Việc rà soát này, nhằm đánh giá thực trạng tiêm vaccine của trẻ, đồng thời có biện pháp tiêm bổ sung vaccine cho trẻ, tránh khoảng trống miễn dịch, nguy cơ bùng phát dịch bệnh nguy hiểm.

About Tin tức Y tế Cần Thơ

Tin tức Y tế Cần Thơ được trích dẫn nguồn từ trang baocantho.com.vn

Check Also

Sử dụng liệu pháp ánh sáng đỏ có an toàn?

Gần đây, liệu pháp ánh sáng đỏ (RLT) đã trở thành phương pháp điều trị …