Sản phụ T.T.T, vừa sinh bé ở Bệnh viện (BV) Đa khoa quận Thốt Nốt, chia sẻ: “Trong quá trình mang thai, tôi đến BV quận khám và được bác sĩ tư vấn về lợi ích của xét nghiệm tầm soát HIV, viêm gan B, giang mai. Nếu có bệnh thì điều trị để không lây truyền cho con. Thấy có lợi cho con và bản thân nên tôi đồng ý thực hiện”. Còn chị N.T.M, ở phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, đang mang thai 37 tuần, cho biết: “Trong quá trình mang thai, tôi đi khám thai định kỳ ở phòng mạch tư. Bác sĩ cũng tư vấn, lấy máu xét nghiệm tầm soát 3 bệnh HIV, viêm gan B và giang mai”.
BS CKII Nguyễn Ngọc Diễm Uyên, Trưởng Khoa Sản, BV Đa khoa quận Thốt Nốt, kể: “Mới đây, một phụ nữ dắt con đến BV. Chị ấy cho biết cách đây 10 năm, khi mang thai, xét nghiệm nhiễm HIV và được tư vấn, động viên, chị tham gia điều trị và sinh ra bé hoàn toàn khỏe mạnh, không nhiễm HIV. Ở BV Đa khoa quận Thốt Nốt, 100% thai phụ đến khám thai đều được tư vấn, xét nghiệm HIV, viêm gan B và giang mai. Gần 98% thai phụ đồng thuận làm xét nghiệm”.
Tương tự tại BV Đa khoa quận Ô Môn, thai phụ đến khám thai, sản phụ đến BV sinh đều được tư vấn về dự phòng lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con. BS CKI Phạm Hồng Hải, Trưởng Khoa Sản, BV Đa khoa Ô Môn, cho biết: Tất cả thai phụ, sản phụ đều được tư vấn, tầm soát, điều trị hoặc chuyển gởi điều trị lên tuyến trên, nhằm giảm nguy cơ lây truyền cho con.
Tại các trạm y tế, chương trình dự phòng được triển khai miễn phí. BS CKII Phan Thị Mỳ, Trưởng Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản – Trung tâm Y tế quận Thốt Nốt, cho biết: Hằng năm, căn cứ vào kế hoạch của ngành y tế thành phố, Trung tâm đều xây dựng kế hoạch và triển khai đến các trạm y tế. Khi đến trạm y tế khám thai, tiêm ngừa, cán bộ y tế sẽ tư vấn cho phụ nữ mang thai lợi ích xét nghiệm tầm soát. Nếu thai phụ đồng ý sẽ lấy máu và chuyển về trung tâm y tế xét nghiệm. Hiện nay, với HIV, tại quận Thốt Nốt đã làm kết quả khẳng định, điều trị ARV. Riêng với viêm gan B, thì chuyển BV Đa khoa TP Cần Thơ, giang mai thì chuyển BV Da liễu TP Cần Thơ tiếp tục điều trị.
Nhằm tăng cường năng lực cho các tuyến, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ (CDC Cần Thơ) đã và đang mở 9 lớp tập huấn cho tổ y tế, cộng tác viên, nhân viên trạm y tế, trung tâm y tế; in tờ rơi, áp phích cấp phát cho các BV, trạm y tế và trung tâm y tế; đẩy mạnh truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời mua sinh phẩm test nhanh cấp phát cho các trung tâm y tế, trạm y tế xét nghiệm miễn phí cho phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, trong thực tế chương trình còn gặp nhiều khó khăn. BS CKII Nguyễn Ngọc Diễm Uyên cho biết: Trường hợp thai phụ ở nông thôn, khi xét nghiệm, địa chỉ ghi không rõ ràng cụ thể, số điện thoại không có… khiến cho việc liên lạc trả kết quả, điều trị gặp khó khăn. Hoặc có thai phụ xét nghiệm dương tính với giang mai, khi cán bộ y tế liên lạc thì họ tắt máy, chặn số.
BS CKI Trần Thị Thu Hồng, Trưởng Khoa Sức khỏe sinh sản, CDC Cần Thơ, cho biết thêm: Khó khăn hiện nay là chưa có kinh phí để theo dõi can thiệp, điều trị. Tuyến quận, huyện chưa triển khai xét nghiệm tải lượng virus và điều trị viêm gan B, điều trị giang mai nên với viêm gan B phải chuyển gửi thai phụ lên BV Đa khoa TP Cần Thơ. Với giang mai thì phải chuyển lên BV Da liễu TP Cần Thơ. Trong khi một số thai phụ chưa có điều kiện kinh tế để lên tuyến trên điều trị theo chế độ bảo hiểm y tế.
Tại hội nghị do CDC Cần Thơ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phối hợp tổ chức ngày 26-10-2023, đại diện Khoa Sản, Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh nêu băn khoăn: Với HIV, chương trình triển khai đã nhiều năm nên việc dự phòng, xét nghiệm và điều trị đều thuận lợi. Riêng viêm gan B và giang mai, mới chỉ làm phần tư vấn và xét nghiệm sàng lọc bước đầu, còn xét nghiệm định lượng, điều trị dự phòng cho thai phụ chưa làm được mà tư vấn cho thai phụ lên tuyến thành phố rất khó khăn vì quá xa.
TS Nguyễn Thị Thúy Vân, Văn phòng WHO tại Việt Nam, cho biết: Các hướng dẫn của Bộ Y tế cho phép tuyến quận, huyện được xét nghiệm, điều trị viêm gan B và giang mai. Nếu TP Cần Thơ triển khai được thì rất thuận lợi cho phụ nữ mang thai, theo tiêu chí “xét nghiệm ở đâu, điều trị ở đó”, đem dịch vụ y tế đến gần người dân. Chỉ có triển khai tại tuyến quận, huyện thì mới tạo điều kiện thuận lợi cho thai phụ. Từ đó, mới tiến dần đến mục tiêu loại trừ 3 bệnh lây truyền từ mẹ sang con.
Bài, ảnh: H.HOA